Hàng vạn khán giả háo hức săn vé concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" vào tối 15-12 tại Hà Nội đã tạo nên "cơn sốt" không kém gì cuộc đua săn vé của BlackPink hay Taylor Swift
Với lượng khán giả kỷ lục kéo theo một nguồn thu lớn, 2 chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Hơn cả mong đợi
Chỉ sau 40 phút mở bán ngày 12-11, toàn bộ vé đã được bán sạch, thiết lập kỷ lục về tốc độ bán vé chưa từng có trong lịch sử các chương trình âm nhạc tại Việt Nam. Không kém cạnh "Anh trai vượt ngàn chông gai", concert 2 "Anh trai say hi" diễn ra ngày 7-12 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, cũng đã hết vé nhanh chóng khi mở bán ngày 7-11.
Trước đó, concert đầu tiên của "Anh trai say hi" tại TP HCM đã chứng minh sức hút khủng khiếp khi toàn bộ 20.000 vé bay sạch chỉ sau 90 phút. Với mức giá từ 800.000 đến 8 triệu đồng, người hâm mộ vẫn không ngần ngại rút hầu bao để được hòa mình vào không khí sôi động được các nhà sản xuất mang đến. Không ít người đã cho rằng 2 chương trình "anh trai" tạo ra mốc son mới cho lĩnh vực công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam khi hàng trăm tỉ đồng đã được các nhà sản xuất thu về trong một đêm, tạo nên dấu mốc đáng nhớ.
Khi BlackPink diễn tại Hà Nội với 70.000 khán giả và thu về hơn 630 tỉ đồng chỉ sau 2 đêm diễn hồi giữa năm 2023, nhiều người mới thực sự nhận ra rằng tiềm năng cho công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam là vô cùng rộng lớn. Lúc đó, nhiều người cũng từng nghi ngại, doanh thu khủng của BlackPink là một con số mà khó có chương trình nào của làng nhạc Việt có thể thực hiện được. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các "anh trai" đã làm được điều không tin nổi là kéo khán giả trở lại với âm nhạc nước nhà, thay vì hâm mộ các ngôi sao K.pop hoặc Âu - Mỹ.
Vé concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" thậm chí còn làm nóng cả hội nghị triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong nói nhu cầu kinh tế văn hóa là nhu cầu có thật, rất hấp dẫn, dư địa rất nhiều. Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" chỉ toàn người Việt biểu diễn nhưng khán giả phải cạnh tranh "khốc liệt" để mua vé dù giá vé không rẻ, tới 8 triệu đồng.
Đánh giá về hiện tượng này, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng đây là thành công của nhà tổ chức nhưng cũng cho thấy nhu cầu của khán giả đối với văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc giải trí. Nó cũng mở một cánh cửa rất tiềm năng cho hoạt động nghệ thuật liên quan đến kinh doanh.
Thêm tín hiệu lạc quan
Lĩnh vực điện ảnh cũng được xem là mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa và đã đạt được những kết quả lạc quan.
Theo các nhà chuyên môn, điện ảnh được xem là mũi nhọn vì sản phẩm điện ảnh - các bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của sáng tạo và công nghệ sản xuất, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng đồng thời có khả năng thu lợi để phát triển thị trường. Điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật tổng hợp có thế mạnh kết hợp và cộng hưởng sức mạnh từ các lĩnh vực khác như văn học (xuất bản), âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa…
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, phân tích năm 2023 doanh thu phòng vé đạt 3.700 tỉ đồng, phim Việt chiếm hơn 40% (so với gần 30% trước đây). Một trong những nguyên nhân tăng thị phần phim Việt là do doanh thu cao (hơn 400 tỉ đồng/phim) của "Bố già" và "Nhà bà Nữ". Theo đó, với doanh thu phim "Mai" đầu 2024 đạt khoảng 545 tỉ đồng (tính đến giữa tháng 3-2024, theo trang Box Office Việt Nam) thì doanh thu phim Việt chắc chắn sẽ tiếp tục đạt trên 40% cả năm nay.
PGS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho hay đã và đang hình thành những thị trường điện ảnh lớn với TP HCM là đầu tàu. Hiện TP HCM có hơn 800 doanh nghiệp điện ảnh, trong đó 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim. Năm 2023 Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, trong đó TP HCM với 56 cụm rạp có lượng khán giả đến rạp đông nhất, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước.
Lợi thế thấy rõ
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, trong giai đoạn 2016-2018, 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỉ USD, tương đương 3,61% GPD; đến năm 2021, đóng góp của công nghiệp văn hóa đạt 3,92% GDP; năm 2022 tăng lên 4,04% GDP; giá trị sản xuất của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD)…
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT-DL, lý giải điện ảnh đã chứng minh được dư địa phát triển trong những năm qua, qua các sản phẩm điện ảnh như "Nhà bà Nữ", "Lật mặt", "Hai muối", "Kong", "Taxi Driver 2", "Pan"… Việt Nam đang có lực lượng đông đảo đạo diễn, diễn viên trẻ, tài năng, năng động; đội ngũ kỹ thuật hậu kỳ có trình độ, kỹ năng bắt nhịp được xu thế phát triển của điện ảnh thế giới. Có thể huy động được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển. Nhiều bộ phim đã nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả mua vé xem, trải nghiệm; có khả năng kết nối văn hóa, du lịch... trong nước, quốc tế.
Thêm vào đó, chúng ta có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa phong phú, đặc sắc, phù hợp với các bối cảnh phim có quy mô lớn trong nước, quốc tế thu hút được sự quan tâm của các nhà làm phim thế giới…
Lấy ví dụ để chứng minh cho việc xác định lĩnh vực đầu tư, phát triển có trọng điểm trong lĩnh vực âm nhạc, ông Lê Minh Tuấn cho hay Công ty Yeah1 đã có năm 2024 tăng trưởng ấn tượng lợi nhuận sau thuế quý III tăng 968,01% so với năm 2023 sau thành công của các show diễn "Anh trai say hi!". Vốn hóa doanh nghiệp tăng mạnh khi cổ phiếu trên sàn chứng khoán liên tục tăng giá. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp… đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng tăng mạnh!
(còn tiếp)
Cần đầu tư tương xứng
Bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo trung ương, nhận định chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện.
Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công - tư chưa đạt yêu cầu. Sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu chặt chẽ, chưa thúc đẩy được các yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, kỳ vọng: "Trong thời gian tới, các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế và thời trang sẽ phát triển mạnh mẽ, với nhiều sản phẩm chất lượng cao và phong phú. Các sản phẩm văn hóa Việt Nam sẽ không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu rộng rãi ra quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á".
Bình luận (0)