. Phóng viên: Khi thấy Singapore thắng lớn với thương vụ mời Taylor Swift về biểu diễn, nhiều ý kiến đặt ra văn hoá chính là một kênh để phát triển nhiều lĩnh vực khác từ du lịch đến tài chính. Anh đánh giá thế nào về điều này? Theo anh thực trạng phát triển nền công nghiệp văn hoá (CNVH) của Việt Nam hiện tại thế nào?
- Đạo diễn Thái Huân: Việc gắn Sự kiện Văn hoá với kinh tế du lịch hoàn toàn đúng đắn và đạt kết quả thực tiễn hết sức rõ ràng. Nhìn từ mô hình các nước khu vực họ làm điều này, đã mang hiệu quả từ lâu. Ngay cả trong nước ta, sau dịch COVID -19 xu hướng du lịch gắn với sự kiện văn hoá (nghệ thuật, âm nhạc..) cũng đã mang đến hiệu ứng tích cực (các show lớn nhỏ, trong nhà, hay ngoài trời nở rộ ở các địa phương phát triển về du lịch).
Theo tôi Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các show diễn của những nghệ sĩ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn ít nghệ sĩ danh tiếng đương thời. Một số ít nghệ sĩ Việt bằng nỗ lực cập nhật xu thế, tận dụng mạng xã hội để bước ra thế giới, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế và đơn độc.
Cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ mới tập trung bảo tồn, quảng bá văn hoá Việt; Văn hoá mang tính đại chúng vẫn chưa được quan tâm rõ rệt. Khán giả thừa cuồng nhiệt với nghệ sĩ mình hâm mộ-yêu quý, chấp nhận chi trả cao cho sự trải nghiệm văn hoá của mình… nhưng vẫn còn chênh lệch khoảng cách (về nhiều yếu tố) giữa các tầng lớp khán giả (khác nhau về giai tầng, độ tuổi, sự am hiểu, yêu mến văn hoá-nghệ thuật).
. Theo anh vì sao sao ngoại không để mắt tới Việt Nam dù họ đã đến những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapire, Indonesia... làm liveshow?
- Tôi chắc rằng họ có tìm hiểu, nghiên cứu về khán giả Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng khi vào thị trường Việt Nam… song họ còn e dè. Vì họ chưa có niềm tin mạnh mẽ về môi trường tổ chức, chưa có kết nối tốt về cung ứng (kỹ thuật, nhân sự….). Những sự cố về thủ tục, về sự phối hợp của các sự kiện có các "sao lớn" và "đương thời" trước đây cũng là điều khiến họ lo ngại.
Tháng 9 năm ngoái, đã có đơn vị tổ chức Giải trí trò chơi uy tín Quốc tế đến TPHCM để tìm hiểu, nhưng rồi họ lại chọn nơi khác (nước khác gần chúng ta). Trước đây việc cung ứng thiết bị ở 1 số sự kiện văn hoá nghệ thuật lớn khi đến Việt Nam chúng ta là điều không tưởng, vì họ đánh giá công nghệ, kỹ thuật chúng ta còn cách xa. Nhưng nay khác nhiều rồi, các đơn vị cung ứng thiết bị, kỹ thuật (những đơn vị tư nhân, uy tín) đã mạnh tay đầu tư (có thể nói tầm quốc tế), tuy nhiên nếu có cung cấp (các thiết bị quan trọng) thì đơn vị Việt hiện nay cũng chỉ là đơn vị thứ 3.
. Để thu hút sao ngoại để từ đó có thể giải quyết bài toán về thương vụ văn hoá phát triển kinh tế, du lich?
- Trước tiên phải nói đến các nhà quản lý, cấp phép. Cần đánh giá đa chiều, phải thấy được sự kiện lớn diễn ra trên đất nước ta, địa phương ta là một vinh dự, mang lại nhiều điều tích cực, từ uy tín và vị thế đất nước (chỉ đề cập phạm vi tổ chức văn hoá, giải trí). Nếu đã đánh giá đúng thì tìm cách hỗ trợ, tìm giải pháp phối hợp… và khích lệ họ thực hiện hơn là "làm khó" để ngăn những điều tiêu cực "có thể" xảy ra…
. Giải pháp nào để phát triển CNVH thưa anh?
- Chúng ta có thể nghiên cứu cách phối hợp đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ giữa 4 "ông lớn" trong ngành giải trí gồm YG Entertainment, JYP Entertainment, SM Entertainment và HYPE với nhau, và cùng với nhà nước định hướng chiến lược phát triển bài bản cho văn hoá… từ đó đưa Hàn Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia có nền CNVH phát triển và thành công trên bình diện Thế giới (cả về doanh thu, sức ảnh hưởng, và hướng hành động).
Nhà nước và các đơn vị có liên quan cần hỗ trợ nghệ sĩ tối đa trong việc tiếp cận, học hỏi, xây dựng hình ảnh và quảng bá nhân hiệu/thương hiệu của mình. Xem trọng việc giáo dục và phát triển nghề nghiệp, bên cạnh việc giáo dục ý thức-vai trò và trách nhiệm của nghệ sĩ với đất nước, xã hội, khán giả.
Bình luận (0)