Cuộc hợp tác của Cát Tiên Sa với JTBC có giá 5 triệu USD. Hiện tôi đã có trong tay sấp kịch bản bằng giấy và tôi cực kỳ hài lòng với sấp giấy kịch bản này. Nó hoàn toàn đáng giá với 5 triệu USD mà chúng tôi đã bỏ ra.
Để có được chất lượng đúng chuẩn
Khi bắt tay cùng JTBC để thực hiện chương trình, tôi vỡ lẽ được nhiều điều. Khi ê-kíp Hàn Quốc sang Việt Nam để thực hiện việc quay chương trình "Đảo thiên đường", theo kế hoạch ban đầu, ngoài ê-kíp Hàn Quốc là ê kíp Việt Nam gồm những người giỏi hàng đầu hiện nay. Tôi muốn chương trình của mình thật chất lượng nên đã trưng dụng những người giỏi nhất và có tên tuổi nhất để hỗ trợ mình.
Trong chuyến khảo sát thực địa, cả 2 ê-kíp Việt Nam và Hàn Quốc đều đi. Khi đến địa điểm chính, ê-kíp Hàn Quốc tủa ra khắp nơi. Mỗi người một việc, họ quan sát, đo đạc kích thước, mô phỏng không gian và lên ý tưởng ngay lúc khảo sát. Mỗi người làm việc của mình trong im lặng. Sau thời gian khảo sát đó, ê-kíp Hản Quốc đều đưa ra những phác thảo trùng khớp nhất với format quay chương trình.
Trong khi đó, ê-kíp Việt Nam không thu hoạch được gì sau khảo sát. Khi ngồi xuống bàn bạc cùng nhau, ê-kíp Việt Nam còn mất thêm thời gian để nhớ lại xem họ đã thấy những gì. 15 ngày quay hình, ê-kíp Hàn Quốc cho tôi một khối lượng nội dung khổng lồ mà ước chừng tôi có thể làm được 30 tập phát sóng. Mỗi đạo diễn, DOP đều có những trợ tá thạo việc đến mức khi DOP thay đổi khoảng cách đặt máy quay, trợ tá lập tức "set" (cài đặt) máy quay mà chỉ tốn tầm 30 đến 1 tiếng đồng hồ để có được chất lượng đúng chuẩn mực yêu cầu.
Nhưng cũng với công việc này, ê-kíp Việt Nam có khi mất cả một ngày để làm. Khi set up âm thanh, máy quay giấu kín trong căn phòng, nhân viên trường quay của Hàn Quốc mất 2 giờ đồng hồ để hoàn thành. Khi tôi nói nhân viên người Việt của mình vào kiểm tra (là một người rất nổi tiếng và lành nghề) thì câu trả lời tôi nhận được là "chắc em không nhận việc được vì không biết Hàn Quốc giấu máy thế nào, bằng cách nào hay ở đâu".
Trong khi mỗi ngày làm việc của ê-kíp Hàn Quốc đều bắt đầu từ tinh mơ đến 2-3 giờ sáng nhưng họ tuyệt nhiên không kêu ca gì cả. Trong khi đó, tôi vẫn thường nghe những lời phàn nàn "mệt, đuối, đói, không ăn được…" của những người bạn Việt Nam. Chưa kể, người Hàn lăng xăng làm việc thì người Việt mình lại ngồi một chỗ ngắm nhìn bâng quơ xung quanh.
Kể câu chuyện này để khẳng định cái chúng ta có chỉ là lớt phớt. Tinh thần học hỏi của chúng ta cũng có nhưng cứ lớt phớt bề mặt. Và cứ mãi như thế sẽ chẳng thu hoạch được hiệu quả gì.
Những cá thể giỏi sẽ tạo nên một tập thể lớn
Khi đến Trung Quốc tìm hiểu thị phần, ê-kíp làm phim "Diên Hy công lược" khẳng định với tôi, họ đã được ê kíp Hàn Quốc giúp đỡ hỗ trợ. Chúng ta thấy dù Trung Quốc đã là một cường quốc mạnh về giải trí nhưng tinh thần học hỏi của vẫn rất cao. Điều đó khiến họ đã mạnh lại càng mạnh hơn.
Bản thân tôi làm trong ngành giải trí nhiều năm, tôi cũng tự tin với những trải nghiệm từ thực tế mà tôi có. Thế nhưng, trong thời đại phát triển của hiện tại, tôi cũng thấy chính bản thân mình phải thay đổi rất nhiều để theo kịp tiến bộ của thời đại, Tôi chưa từng nghĩ đến những vấn đề to tát về cơ chế hay sự hỗ trợ nào cả. Nhưng mỗi cá nhân phải ý thức rõ bản thân mình yếu kém chỗ nào và phải đặt mục tiêu học tập ra sao, tôi tin chắc những cá thể giỏi sẽ tạo nên một tập thể lớn và mạnh.
Chúng ta không thể cứ bỏ tiền ra thuê người giỏi làm được mà chính bản thân mình phải là người giỏi. Tôi đã đặt mục tiêu 3 năm nữa, tôi sẽ đạt được 1 phần thành tựu những gì mà tôi đang thấy Hàn Quốc có được. Trong khoảng thời gian đó, không chỉ tôi mà ê-kíp của tôi cũng phải học tập cật lực. Mỗi vị trí dù lớn dù nhỏ đều phải giỏi thì công việc mới trở nên suôn sẻ được. Phải tận mắt chứng kiến tôi mới phải thừa nhận Hàn Quốc - họ quá giỏi trong khi mình còn nhiều thiếu sót quá. Đó là lý do mà nền công nghiệp giải trí của họ tuyệt vời đến thế, từ âm nhạc, điện ảnh đến truyền hình. Tất cả mọi thị phần của họ đều rất xuất sắc.
Khi sang Hàn Quốc thực địa, điều ấn tượng nhất với tôi là có những khu phố chuyên ngành. Mình đã quen với phố thời trang, phố mỹ phẩm, phố ẩm thực… Nhưng họ còn có cả phố phim trường, phố studio, phố trường quay… Tất cả các trường quay đều cực kỳ hoành tráng, tiện nghi và tập trung một chỗ. Và họ được Nhà nước cấp đất để làm trường quay.
Bản thân tôi nhiều năm nay đau đáu việc xây dựng một phim trường thật lớn để đầu tư cho các chương trình, không chỉ của mình mà cho nhiều đơn vị sản xuất khác nữa. Nhưng cũng bằng ấy năm, từ khi lên ý tưởng, tôi vẫn phải loay hoay với việc tìm đất rồi đến các khoản đầu tư cho phim trường. Để có một nền công nghiệp văn hóa phát triển và lớn mạnh, sự chung tay của nhiều cơ quan ban ngành là điều chắc chắn phải có.
Để có một nền công nghiệp văn hóa Việt lớn mạnh (trước khi có thể bước ra thế giới), mỗi một thành phần trong bộ máy công nghiệp văn hóa Việt phải mạnh. Mà muốn có được sự lớn mạnh này, thì cần phải học hỏi. Học thật nhiệt tâm, thật chịu khó và phải học tới nơi tới chốn.
Bình luận (0)