xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo

YẾN ANH - MINH KHUÊ

Công nghiệp văn hóa có khả năng mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích chính trị và văn hóa

PGS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Cần sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm

Việc chuyên nghiệp hóa sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có thể tạo ra những đột phá trong phát triển văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ tiềm năng này qua các sự kiện như tour biểu diễn của Blackpink tại Hà Nội, chỉ trong 3 đêm đã mang lại hơn 630 tỉ đồng doanh thu, hay nhiều bộ phim điện ảnh có doanh thu hàng trăm tỉ đồng. Điều này chứng tỏ rằng công nghiệp văn hóa có khả năng mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích chính trị và văn hóa.

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo- Ảnh 1.

PGS Bùi Hoài Sơn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để công nghiệp văn hóa phát triển, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, môi trường đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển của các lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa. Có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và địa vị pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là cho các dự án sáng tạo và khởi nghiệp.

Đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, bằng cách xây dựng và nâng cấp nhà hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa và các khu vui chơi giải trí để đạt chất lượng cao. Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo chuyên sâu cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ; hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành.

Đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các kênh truyền thông hiện đại, các sự kiện quốc tế và các chiến dịch marketing chiến lược. Tổ chức các liên hoan nghệ thuật, triển lãm và sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam để thu hút sự chú ý của truyền thông và du khách quốc tế. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn lực, mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam tham gia các chương trình giao lưu, biểu diễn và hợp tác quốc tế.

Trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á không phải là một quá trình diễn ra trong ngắn hạn, mà cần sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm. Và tôi tin tưởng, với những chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm của toàn xã hội, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này trong vòng 10-20 năm tới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa và cộng đồng, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng.

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo- Ảnh 3.

Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đang thu hút khán giả. (Ảnh do BTC cung cấp)

TS ĐỖ QUỐC VIỆT, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Xây dựng chính sách ưu đãi và cơ chế đặc thù cho điện ảnh

Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng trải dài khắp cả nước là điều kiện lý tưởng để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh này bởi chưa có chính sách ưu đãi thuế, trang thiết bị kỹ thuật tiền kỳ, dịch vụ hậu kỳ chưa đồng bộ, hiện đại.

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo- Ảnh 4.

TS Đỗ Quốc Việt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với mục tiêu chủ yếu, đến năm 2030 đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD), điện ảnh Việt Nam cần phát huy vai trò công nghiệp sáng tạo, phát triển các dịch vụ đi kèm của bộ phim. Những sản phẩm được quảng bá theo tác phẩm điện ảnh như: bối cảnh, bất động sản, thời trang; mỹ phẩm, hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm âm nhạc... cần có chính sách hỗ trợ phát triển.

Để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh, tôi đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý để đồng bộ hóa, điều chỉnh phù hợp các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động khác có liên quan. Xây dựng các cơ chế, chính sách trong hợp tác đầu tư sản xuất phim nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển các cụm rạp, phòng chiếu phim chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.

Xây dựng chính sách thu hút các đạo diễn, biên kịch, quay phim có trình độ cao tham gia vào hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; chính sách cho các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam. Đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc thù cho ngành điện ảnh thông qua chính sách học bổng đào tạo đội ngũ các nhà làm phim chuyên nghiệp: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, công nghệ, lý luận phê bình, sản xuất phim, phát hành phim... đáp ứng được nhu cầu phát triển của điện ảnh trong thời kỳ mới.

Nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên MAI THU HUYỀN:

Mong có những chính sách bảo hộ cho phim Việt

Tôi thấy hiện có ít phim được nhà nước đặt hàng, phim điện ảnh phần nhiều là tư nhân tự đầu tư sản xuất và đưa ra thị trường. Vì thế, các phim quy mô thuộc những chủ đề về lịch sử, văn hóa, rất ít do những phim này thường chi phí đầu tư lớn mà lại mạo hiểm trong vấn đề thu hồi vốn nên nhà làm phim tư nhân ít chọn lựa. Họ thường tìm kiếm những chủ đề hợp thị hiếu khán giả cho mục đích thương mại. Vì vậy, tôi đề xuất nhà nước quan tâm đầu tư cho điện ảnh tư nhân để có những dự án phim đầu tư lớn, tạo được điểm nhấn cho thị trường khi ra rạp. Vấn đề phát hành, tôi mong có những chính sách bảo hộ để phim Việt được ưu tiên về suất chiếu, giờ chiếu.

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo- Ảnh 6.

Nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Điện ảnh Việt cần có các chính sách để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến chọn bối cảnh, sử dụng dịch vụ địa phương, góp phần quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Việt qua các phim, thúc đẩy kinh tế địa phương. Đây cũng là phương án góp phần tạo cơ hội để lực lượng làm nghề tiếp cận với các đoàn quốc tế, học hỏi kinh nghiệm.

Lâu nay, để đưa phim đến các liên hoan phim, nhà sản xuất đều phải tự tìm tòi, nỗ lực mày mò đăng ký rồi đưa phim đi. Nếu có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, có đội ngũ liên kết với các liên hoan phim lớn và đưa phim Việt tham gia hằng năm, có gian hàng giới thiệu phim Việt tại các chợ phim thì sẽ tốt hơn. 

Đạo diễn THÁI HUÂN:

Đó là xu thế tất yếu

* Vừa qua Singapore đã thắng lớn với thương vụ mời Taylor Swift về biểu diễn. Anh đánh giá thế nào về điều này?

- Đạo diễn THÁI HUÂN: Việc gắn sự kiện văn hóa với kinh tế du lịch hoàn toàn đúng đắn và đạt kết quả thực tiễn hết sức rõ ràng. Nhìn từ mô hình các nước khu vực họ làm điều này, đã mang lại hiệu quả từ lâu. Ở nước ta, sau dịch COVID -19 xu hướng du lịch gắn với sự kiện văn hoá (nghệ thuật, âm nhạc..) cũng đã mang đến hiệu ứng tích cực.

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sáng tạo- Ảnh 7.

Đạo diễn Thái Huân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Anh đánh giá thực trạng của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện tại thế nào?- Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các show diễn của những nghệ sĩ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn ít nghệ sĩ danh tiếng đương thời. Một số ít nghệ sĩ Việt bằng nỗ lực cập nhật xu thế, tận dụng mạng xã hội để bước ra thế giới, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế và đơn độc. Cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ mới tập trung bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt. Văn hóa mang tính đại chúng vẫn chưa được quan tâm rõ rệt.

* Theo anh, giải pháp nào để phát triển công nghiệp văn hóa Việt?

Nhà nước và các công ty giải trí cần chung tay trong việc tiếp cận, học hỏi, xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu của mình. Đầu tư việc giáo dục và phát triển nghề nghiệp, bên cạnh việc giáo dục ý thức - vai trò và trách nhiệm của nghệ sĩ với đất nước, xã hội, khán giả.

Thuỳ Trang thực hiện

PGS TS TRẦN YẾN CHI, nguyên quyền trưởng Khoa Đào tạo Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM:

Phải tính đường dài

Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa hướng TP HCM trở thành thành phố sáng tạo là cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa dài hạn. Xác định rõ vai trò và mục tiêu của công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Đề ra tầm nhìn cụ thể để TP HCM trở thành một thành phố trong mạng lưới sáng tạo toàn cầu. Lựa chọn các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng như điện ảnh, âm nhạc, thiết kế và sản xuất nội dung số làm trọng tâm đầu tư và phát triển.

NSND ĐÀO BÁ SƠN:

Biến không gian mở thành địa điểm biểu diễn

Thiết lập các khu vực tập trung các doanh nghiệp sáng tạo, cơ sở đào tạo và không gian làm việc chung để thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới. Đặc biệt, tận dụng không gian công cộng, biến các công viên, quảng trường và không gian mở thành địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa và sáng tạo".

PGS TS PHAN BÍCH HÀ:

Khơi dậy tư duy sáng tạo trong thế hệ trẻ

Cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và công nghệ sáng tạo. Khuyến khích giáo dục sáng tạo từ sớm, tích hợp các môn học về nghệ thuật, thiết kế và công nghệ vào chương trình giáo dục phổ thông để khơi dậy tư duy sáng tạo cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, tổ chức các sự kiện quốc tế và định kỳ tổ chức các liên hoan nghệ thuật, triển lãm sáng tạo và hội chợ văn hóa để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Thanh Hiệp ghi

Tọa đàm "Phát triển Công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?"

Tọa đàm "Phát triển Công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?" diễn ra tại Báo Người Lao Động sáng nay, 5-12.

Chủ trì tọa đàm gồm: PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động.

Tọa đàm là nơi nhìn lại diện mạo công nghiệp văn hóa trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, có sự tác động đến Việt Nam, trong đó TP HCM - dù có tiềm năng lớn nhưng mức độ phát triển và hiệu quả khai thác công nghiệp văn hóa còn nhiều hạn chế.

Các văn nghệ sĩ sẽ bàn luận về cách làm, kinh nghiệm, bài học đúc kết sau những dự án thành công và hướng tới xây dựng công nghiệp văn hóa của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.

T.Hiệp

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo