xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nghiệp văn hóa trước cơ hội lớn (*): TP HCM hướng đến thành phố điện ảnh

THANH HIỆP

Điện ảnh với sức mạnh lan tỏa và khả năng kể chuyện độc đáo đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia

TP HCM hội đủ điều kiện để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm điện ảnh của khu vực và quốc tế. Để nâng tầm lĩnh vực điện ảnh, TP HCM cần đặt công nghiệp văn hóa vào vị trí chiến lược trong quy hoạch phát triển kinh tế, song song với việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và các chính sách hỗ trợ sáng tạo.

Lợi thế lẫn thách thức

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Hội Âm nhạc TP HCM, thành phố rất có tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh. Bởi lẽ, TP HCM có lợi thế về nhân lực, với sự hiện diện của nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật và truyền thông.

"Lực lượng trẻ năng động, sáng tạo chính là nhân tố then chốt giúp TP HCM xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại. Ngoài ra, TP HCM còn sở hữu mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất phim, studio, đơn vị hậu kỳ chuyên nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho điện ảnh. Tôi tin TP HCM hoàn toàn có thể trở thành điểm hẹn của người yêu thích điện ảnh" - bà Liêm nhận định.

Đạo diễn Công Hậu cho hay TP HCM từng là nơi diễn ra nhiều liên hoan phim quốc tế; các nhà làm phim, đạo diễn và diễn viên có dịp giao lưu, học hỏi và hợp tác. Ông nhận xét: "Cảnh quan đô thị đa dạng, kết hợp giữa kiến trúc cổ kính và hiện đại, cùng với các vùng ngoại ô và nét tự nhiên phong phú là lợi thế lớn để TP HCM trở thành phim trường lý tưởng cho các dự án điện ảnh trong và ngoài nước".

Tại hội thảo khoa học "Làm thế nào để đưa tác phẩm văn hóa - nghệ thuật đến với công chúng" do Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM tổ chức mới đây, NSƯT Lê Thiện trăn trở: "Dù có nhiều tiềm năng song TP HCM vẫn đối mặt không ít thách thức trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Trước hết, sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù và nguồn vốn đầu tư là một rào cản lớn.

Trao giải tại Liên hoan Phim quốc tế TP HCM (HIFF) lần thứ nhất 2024.  (Ảnh do BTC cung cấp)

Trao giải tại Liên hoan Phim quốc tế TP HCM (HIFF) lần thứ nhất 2024. (Ảnh do BTC cung cấp)

Theo NSƯT Lê Thiện, các nhà làm phim độc lập thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tiếp cận thị trường quốc tế. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ lĩnh vực điện ảnh - bao gồm trường quay hiện đại, hệ thống hậu kỳ và dịch vụ kỹ thuật số - vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án phim lớn.

Giới chuyên môn nhận định việc bảo vệ bản quyền và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh tại TP HCM chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phim và kìm hãm sự sáng tạo. NSƯT Lê Thiện bức xúc: "Phim mới ra rạp cứ bị quay lén tung lên mạng; chưa kể nhiều nơi ăn cắp âm nhạc, ý tưởng của nhau để đưa lên các sản phẩm YouTube, gây thiệt hại cho nhà sản xuất".

Cần nhiều giải pháp

Để đạt mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh, TP HCM cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược.

PGS-TS Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, cho rằng thành phố cần có một chiến lược, chọn đúng giải pháp, mũi nhọn trọng tâm để thực hiện. PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhìn nhận cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, xây dựng các trường quay hiện đại, trung tâm hậu kỳ và cơ sở dữ liệu điện ảnh, phát triển các nền tảng số hóa để phục vụ sản xuất, phân phối và quảng bá phim.

Trong khi đó, NSND Đào Bá Sơn nhấn mạnh cần hỗ trợ chính sách và tài chính cho điện ảnh TP HCM. Cụ thể, cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào điện ảnh, bao gồm việc miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn từ tổ chức tín dụng và các quỹ sáng tạo.

Theo ông Sơn, cần tăng cường hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện ảnh. Ngoài ra, TP HCM cần định kỳ tổ chức liên hoan phim quốc tế, hội chợ điện ảnh để quảng bá hình ảnh thành phố và tạo cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.

Giới chuyên môn còn cho rằng TP HCM cần hướng đến mục tiêu dài hạn, đặt thành phố trong bản đồ điện ảnh quốc tế. Bởi lẽ, về lâu dài, TP HCM không chỉ là trung tâm điện ảnh của Việt Nam mà còn hướng đến trở thành trung tâm điện ảnh của khu vực. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa điện ảnh với các lĩnh vực khác như du lịch, công nghệ, giáo dục...

Ngoài việc sản xuất các bộ phim đạt chất lượng quốc tế, TP HCM cần tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa Việt Nam, kể những câu chuyện độc đáo về con người và lịch sử đất nước. Các tác phẩm này không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế.

PGS-TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật TP HCM, kỳ vọng trong tương lai, khi trở thành thành phố điện ảnh, TP HCM sẽ là nơi thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo. Để đạt được điều đó, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, giới chuyên môn và toàn xã hội.

Thành phố điện ảnh không chỉ là giấc mơ mà còn là cơ hội hiện thực hóa khát vọng đưa TP HCM lên tầm cao mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế đất nước. 

Ngày càng nhiều phim đạt doanh thu kỷ lục

Tiềm năng của lĩnh vực điện ảnh được người trong nghề cho rằng rất lớn khi thị trường vẫn chưa được khai phá hết. Với hơn 100 triệu dân, điện ảnh Việt Nam có lợi thế trong nỗ lực thu hút khán giả đến rạp. Khán giả Việt rất yêu thích phim trong nước và sẵn lòng ủng hộ những tác phẩm mà họ thấy thuyết phục, tạo được ấn tượng tốt.

Nếu như trước đây, số lượng phim Việt vượt mốc doanh thu 100 tỉ đồng rất hiếm hoi thì những năm qua ngày càng nhiều. Các phim gặt hái doanh thu kỷ lục cũng ngày càng tăng. Trong đó, "Mai" của đạo diễn Trấn Thành ra rạp dịp Tết Giáp Thìn 2024 đã thu được 551 tỉ đồng - dẫn đầu danh sách phim doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam, tính đến nay. Phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải với doanh thu 482,7 tỉ đồng giữ vị trí thứ 2.

Theo NSƯT Hạnh Thúy, nhà làm phim Việt Nam dù có một số thuận lợi về điều kiện thực hiện nhưng đa phần vẫn gặp những khó khăn nhất định, như: thiếu vốn, thiếu sự thúc đẩy từ các chính sách.

"Theo tôi, nhà nước nên xem điện ảnh là một lĩnh vực văn hóa mang tính giải trí. Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ, quản lý, thậm chí đầu tư, để những tác phẩm điện ảnh vừa đạt chất lượng giải trí vừa có giá trị văn hóa, xã hội. Trước mắt, thiết thực nhất là các bên liên quan cần tăng cường giá trị của sản phẩm điện ảnh" - NSƯT Hạnh Thúy mong mỏi.

M.Khuê

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo