xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”: Bám đảo

Bài và ảnh: HỒ THỊ LINH XUÂN

Họ hồn nhiên bám đảo, tưởng chừng vô danh nhưng là những cột mốc sống về chủ quyền, vì biển trời cương thổ mà sẵn lòng ở lại gắn bó, bất chấp gian khổ

Ngày thứ ba ở Thổ Châu (còn gọi là Thổ Chu), đáng lẽ là ngày tàu về thì thời tiết chuyển xấu, chúng tôi bị kẹt lại và với tình hình sóng to gió lớn trước mắt thì không biết bao giờ có thể trở vô đất liền. Mới hiểu vì sao dù là dân Phú Quốc, nơi cách Thổ Châu gần nhất, khoảng 100 km, cũng tỏ ra ngao ngán mỗi lần ngồi tàu 5 giờ ra đây. Bởi ai cũng biết Thổ Châu đi đã khó về lại càng khó…

Thổ Châu, quần đảo thuộc xã đảo cùng tên của TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang luôn là niềm ao ước một lần đặt chân đến của bất kỳ ai luôn hướng về biển đảo quê hương. Là quần đảo biên cương xa đất liền nhất trên vùng biển Tây Nam, lại đặc thù là đảo quân sự tiền tiêu luôn đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Hải quân vùng 5, so với nhiều đảo khác của tỉnh Kiên Giang, Thổ Châu là nơi có ít người biết đến hơn cả.

Cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”: Bám đảo- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Cao Văn Nu (trái) và chú Trần Văn Bảnh (phải)

Lần đầu tiên trong đời chúng tôi trải nghiệm cảm giác thức dậy trong tình trạng không điện, không sóng điện thoại, không mạng internet mà bên ngoài thì bốn bề mưa giăng trắng xóa, buồn miên man. Chú Tư, hàng xóm cặp vách khu trọ, mời chúng tôi sang chơi, bảo: "Ở đảo thì vậy, mưa gió là không mần ăn gì được".

Chú Tư tên thật là Cao Văn Nu, cựu chiến binh trở về từ chiến trường Tây Nam. Chú kể, sau khi theo Sư đoàn 330 rút quân, chú giải ngũ về quê ở miệt thứ An Biên, là một trong hai huyện xa xôi, hẻo lánh và nghèo khó nhất tỉnh. Nhà nghèo, anh em đông nên sau khi lập gia đình với cô Nguyễn Thị Nhẫn (Sáu Nhẫn) thì hai vợ chồng chú Tư cũng bắt đầu bước đường lang bạt kỳ hồ đi tìm sinh kế khắp xứ U Minh. Từ đi rừng, đẩy xiệp (ngư cụ làm bằng tre để bắt cá), đốt than… Không nghề nào vợ chồng chú chưa từng trải qua nhưng vẫn không đủ cái ăn khi các con lần lượt chào đời. 

Nghe người ta kháo nhau xã đảo mới tái lập có chế độ dành cho cựu binh, chú Tư thuyết phục gia đình rồi dắt díu vợ con vượt trùng dương đến vùng đất hứa ngoài khơi. Hồi ấy, muốn đến Thổ Châu phải đi tàu, mất cả ngày trời, nhưng vợ chồng con cái chú Tư vẫn quyết lòng ra đảo sinh sống.

Buổi ban đầu ra đảo, vợ chồng chú Tư thuê nhà để ở rồi xin vào làm hậu cần nghề cá. Hai vợ chồng chú cùng hai người con gái lớn lúc đó chừng 9-10 tuổi quần quật xẻ mực cả ngày đến tận tối mịt mà chỉ được chừng 100.000 đồng. May nhờ xóm giềng tối lửa tắt đèn tương trợ, bộ đội trên đảo tiếp sức và chính sách ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo mà chú Tư dần dần tạo dựng cuộc sống nuôi các con lớn khôn.

Không nằm trong cuộc vận động đến vùng kinh tế mới khi Thổ Châu tái lập xã đảo vào tháng 4-1993, nhưng gia đình chú Tư đã bám đảo tính đến nay đã hơn 20 năm. Phải một lần đến với vùng đất biên ải xa xôi, tôi mới hiểu con số hơn 2 thập niên là khoảng thời gian đằng đẵng.

Thổ Châu bây giờ đã hồi sinh, khoác lên mình diện mạo khác nhưng vẫn còn đó quá nhiều khó khăn. Chú Tám Bảnh (Trần Văn Bảnh; ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu), là hàng xóm và cũng là thông gia "hụt" của chú Tư, kể hồi chú mới từ quê gốc Giồng Riềng ra đây, Thổ Châu trước mặt là biển, sau lưng là rừng thẳm. Đảo không đường sá, điện nước, chỉ vài hộ được đưa ra trước sống trong những mái tranh xập xệ. Bộ đội đùm bọc cưu mang dân, chu cấp toàn bộ lương thực thuốc men, giúp dân dựng nhà, đóng ghe đánh bắt gần bờ để ai nấy từ từ ổn định cuộc sống. Từ một nơi hoang vắng, thiếu thốn mọi bề thì nay Thổ Châu đã đủ đường, trường, trạm với sự quần tụ của hơn 2.000 hộ dân.

Cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”: Bám đảo- Ảnh 3.

Lá cờ đỏ sao vàng tung baytrên nóc nhà lồng bè ở Bãi Dong, Thổ Châu

Nhớ lại đoạn trường đã qua, chú Tư nói rằng ở đảo không sợ nghèo, mà chỉ sợ những ốm đau vì đường sá trắc trở. "Bây giờ cũng đã khác trước nhiều rồi. Người dân trên đảo chí thú làm ăn và nhờ có sự chăm lo của địa phương, sự giúp sức của bộ đội mà cuộc sống thay đổi từng ngày" - cựu chiến binh Cao Văn Nu nói.

Quả thực trước đây, gia đình chú Tư thuộc hộ nghèo, nay thì đã thoát diện này rồi. Chú Tám Bảnh hiện là chủ vựa dừa bỏ mối cho các quán cà phê trên đảo, con cái vào đất liền học tập rồi trở về phục vụ vùng đất nhỏ trên biển cách trở trùng khơi. Hễ lúc nào rỗi rãi là các chú túm tụm với nhau, có khi nhâm nhi tách trà, có khi lai rai để chuyện trò, nhắc nhớ về ngày cũ.

Tôi hỏi, khi nào cô chú trở về đất liền vì sau mấy chục năm thăng trầm bám đảo hai vợ chồng vẫn ở nhà thuê? Mắt nhìn ra biển, chú Tư nói: "Trời sinh cây cỏ gió sương, sống lâu rồi cũng quen, thành thử muốn thay đổi cũng ngại. Biển đã là nhà". Chú Tám Bảnh tiếp lời: "Ông bà già được chôn cất ở đây, giờ mình có chết cũng phải chết trên đảo"…

Cuối cùng chúng tôi cũng đợi được tàu về, đó là vào ngày thứ năm ở Thổ Châu. Đang mùa gió Nam, tàu neo ở ngoài khơi Bãi Dong, chúng tôi từ Bãi Ngự phải vượt 10 km đường ra bến rồi thuê tàu đò đưa ra tàu Thổ Châu 09.

Khi tàu tách bến cũng là lúc bình minh dần lên. Những lá cờ đỏ sao vàng cũng phấp phới bay trên những chuyến tàu ra khơi đánh bắt. Tôi nhìn hòn đảo như hình chú hải sâm dần xa, lòng nghĩ mãi về những con người chân chất hiền hòa nơi đầu sóng ngọn gió. Họ hồn nhiên bám đảo, tưởng chừng vô danh nhưng là những cột mốc sống về chủ quyền, vì biển trời cương thổ mà sẵn lòng ở lại gắn bó, bất chấp gian khổ, nhọc nhằn. 

Trong quá khứ đau thương, Thổ Châu từng bị Pol Pot đánh chiếm trái phép và bắt cóc toàn bộ dân lành trên đảo đi thủ tiêu. Là cựu binh từng đối mặt kẻ thù trên đất bạn Campuchia, chú Tư thấy mình có một phần trách nhiệm giữ gìn cụm đảo biên cương, nơi cột mốc A1 - đường cơ sở lãnh hải Việt Nam - được uy nghiêm đặt trên Hòn Nhạn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo