Hà Nội với riêng mình những ngày chớm đông lạnh lẽo đến đau lòng... Nếu ai đó đang chán chường vì thất bại trong công việc, nếu ai đó đang cảm thấy cuộc đời bế tắc... thì xin hãy lắng nghe câu chuyện của mình trước. Câu chuyện mình kể về đồng đội, những chiến binh thầm lặng giữa thời bình...
Những ngày này, khi các bạn trẻ xúng xính lên đồ cho mùa lễ hội, đón Giáng sinh; khi Tết Nguyên đán đang cận kề, người người, nhà nhà hối hả chạy đua với thời gian để vun vén một cái Tết đủ đầy, no ấm... thì ở khơi xa kia, nơi chẳng có mùa đông. Chẳng có đèn màu nhấp nháy, chẳng có cây thông Noel, chẳng có gì ngoài sóng mặn và nắng rát. Đồng đội mình kiên cường bám những khối thép khổng lồ, hay còn gọi là nhà giàn, để canh giữ chủ quyền. Họ còn chẳng bao giờ mong Tết!
Là nhà báo quân đội, mình có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trong đó có bộ đội nhà giàn. Có những ngày, mình đi làm về với tâm trạng mệt mỏi và áp lực bởi bài vở, bởi công việc, thế rồi nhận được điện thoại của anh em ngoài ấy: "Chị ăn cơm chưa? Sắp tới, chị có đi chúc Tết nhà giàn không? Có ra thăm mọi người không? Có ai ra không, em gửi cá khô cho chị..."; "Mọi người vừa xem chương trình em làm này, dạo này béo ra đấy nhé! Các cháu có ngoan không? Học có tốt không?"...
Nội dung chỉ lặp lại đơn điệu như thế nhưng là tất cả yêu thương, là nỗi niềm nơi đầu sóng khát khao đất liền. Và mình, người em gái duy nhất từng ăn ở cả tháng trời trên tất cả nhà giàn được anh em lựa chọn làm điểm tựa tinh thần đầy tin tưởng. Chưa bao giờ mình từ chối một cuộc điện thoại gọi về từ nơi ấy....
Dù rằng đơn điệu cũng được, nhàm chán cũng được nhưng đừng bất thường là được. Ấy thế mà...
Đêm đen kịt. Sóng biển cấp 5, cấp 6. Gió Đông Bắc cấp 6, cấp 7. Từ nhà giàn DK1/12 phóng tầm mắt ra xung quanh chỉ có thể thấy nước biển sóng sánh như sình lầy. Xa xa là ánh sáng mờ ảo của tàu trực. Sau giờ cơm tối, bộ đội nhà giàn trở về các vị trí được phân công, riêng cán bộ chỉ huy sẽ đi vài vòng quanh nhà để quan sát và kiểm tra tình hình như một chế độ sinh hoạt hằng ngày. Cứ tầm 20 m quay đầu, 4 góc nhà giàn này anh em thuộc rõ; những quy tắc an toàn, ai cũng nhớ nằm lòng.
Bỗng "rầm!". Một tiếng động lớn vang lên. "Có người rơi xuống biển!". Cả nhà giàn báo động. Những ánh đèn pin chiếu loang loáng xuống mặt biển. Có người đang cố gắng bơi giữa những cột sóng. Những chiếc phao ngay lập tức được quăng xuống. Tiếng gào thét thúc giục tới lạc giọng: "Tiếp tục ném phao... Cố lên! Cố lên!... Phao ở kia!... Sắp tới phao rồi!... Cố lên!...".
Tàu trực cũng vội vã cơ động tiến về phía nhà giàn ứng cứu. Đêm đen và mặt biển đặc quánh. Sóng biển hung dữ như con thuồng luồng đói bụng tàn ác. Tất cả phao bị sóng đẩy xa dần hướng người rơi. Chỉ 2 cái chớp mắt, con quái vật vô hình kia đã nuốt chửng mất người.
Những chỉ đạo dồn dập, khẩn cấp từ sở chỉ huy qua hệ thống cơ yếu. Tất cả tàu trực ở khu vực biển DK1 được huy động tới để tìm kiếm.
Trên nhà giàn, chỉ huy trưởng nhanh chóng điểm danh quân số và đã biết được danh tính người rơi xuống biển: Đại úy Nguyễn Tài Thi - Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân. Trong nhiều giờ sau đó, anh em dồn cả về sàn công tác ở chân nhà giàn, hướng về các phía gào gọi tên Thi trong đêm tối. Nhưng đáp lại chỉ là tiếng sóng biển oàm oạp, gầm gừ và cuồng nộ...
Nguyễn Tài Thi quê Thanh Hóa, còn trẻ măng, mới nhận nhiệm vụ ra nhà giàn được 2 tháng. Có lẽ trong lúc đi kiểm tra vòng quanh nhà, anh đã bị vấp ngã và văng qua dải lan can thoát hiểm. Ở đất liền, nếu bất cẩn vấp ngã, chúng ta có thể đứng dậy ngay, phủi quần áo và cười xòa. Nhưng đây là nhà giàn. Là chân không chạm đất. Một cái vấp ngã là cả sinh mạng....
Những ngày tiếp theo, thời tiết chuyển xấu, biển động dữ dội, sóng biển dâng cao. Các tàu tìm kiếm vẫn nỗ lực xới tung từng hải lý bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm với đồng đội mình trong vô vọng.
Đau thương tiếp nối đau thương. Cũng chính vùng biển này, một đồng đội khác của mình đã đột tử ngay trong lúc tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Đó là ca trực ở đài chỉ huy tàu 214 lúc 2 giờ. Đại úy Đỗ Tùng Linh, Chính trị viên tăng cường từ tàu 202, từ từ gục xuống bàn trong sự ngỡ ngàng của đồng đội. Hô hấp nhân tạo, ép tim, tiêm Adrenalin... Mọi biện pháp được quân y tàu tiến hành khẩn trương nhất, nhanh nhất có thể nhưng không tìm thấy mạch, huyết áp và nhịp thở bằng 0. Mặc cho đồng đội lay gọi tới khản tiếng, đại úy Linh mất hoàn toàn ý thức...
Nếu ai đã từng theo tàu lênh đênh trên biển, chắc hẳn đều biết rằng các thành viên trên tàu sẽ được chia ca trực trên buồng lái đài chỉ huy để bảo đảm tàu vận hành liên tục theo đúng kế hoạch và những ca trực từ sau 12 giờ đêm tới sáng bao giờ cũng căng thẳng nhất, nhịp sinh học bị đảo lộn hoàn toàn.
Hai cái chết chỉ trong một tuần. Sự mất mát và hy sinh giữa thời bình vẫn ở ngay ngoài kia, nơi tiền tiêu, lặng thầm, đau xót.
Có thể trở về đất mẹ nguyên vẹn hình hài hay mãi mãi hòa tan vào sóng biển trắng xóa gọi bờ. Không một người lính hải quân nào lựa chọn được. Họ chỉ biết một lời thề thiêng liêng khi khoác lên mình màu áo lính, đó là chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hà Nội vẫn chưa bớt lạnh kể từ ngày đồng đội của mình ra đi. Chỉ gần 1 tháng nữa là Tết. Mình đã cắn chặt môi tới mức tím ngắt để cho nước mắt chảy ngược vào tim khi kể lại câu chuyện này.
Ở khơi xa kia vẫn vọng về tiếng đồng đội gọi tìm nhau giữa muôn trùng sóng. Và mình phải viết ra. Viết ra cũng là một trách nhiệm, để an ủi người còn sống, yên lòng người đã khuất.
Viết ra có lẽ cũng để góp một tiếng nói khẳng định rằng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, dù ở thời nào, chiến tranh hay hòa bình thì đất nước chúng ta vẫn luôn có những con người sẵn sàng hy sinh vì điều thiêng liêng đó.
Mời bạn đọc tiếp tục tham gia viết bài
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 năm 2023 - 2024 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-7-2023 đến 31-5-2024.
Đến nay, sau 5 tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được nhiều bài dự thi của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Bám sát nội dung, chủ đề cuộc thi, các bài viết phản ánh sinh động công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ quốc gia; khắc họa hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; ca ngợi tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước; phản ánh đa dạng tình đoàn kết quân - dân trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ vùng biên, xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị với các nước bạn. Gần 20 tác phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chí cuộc thi đã được lựa chọn, đăng trên Báo Người Lao Động.
Với mong muốn cuộc thi trở thành diễn đàn để bạn đọc gửi gắm, bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, cũng như đề xuất, hiến kế ý tưởng giải pháp về tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia, Báo Người Lao Động mời bạn đọc tiếp tục gửi tác phẩm dự thi. Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và ở nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi.
Ban Tổ chức khuyến khích tác giả viết phóng sự, ký báo chí, giới thiệu những câu chuyện hay, chân thực bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc; khuyến khích các bài viết gắn với chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động đang thực hiện với 4 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" và "Vững tuyến đầu, chắc hậu phương".
Thể lệ chi tiết của cuộc thi tham khảo tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-20230731170758153.htm.
TÒA SOẠN
Bình luận (0)