Trường Sa - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa biển Đông - có vai trò, vị trí, tiềm năng vô cùng to lớn đối với tỉnh Khánh Hòa và cả nước. Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh xây dựng và phát triển Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đây là một quyết sách lớn để giúp Trường Sa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Tổ quốc.
Phát triển nuôi biển xa bờ
Quần đảo Trường Sa trải rộng trên vùng biển khoảng 160.000 - 180.000 km², với chiều dài từ Tây sang Đông khoảng 800 km, từ Bắc xuống Nam khoảng 600 km; tổng diện tích các đảo, bãi đá nổi khoảng 10 km². Những điều kiện tự nhiên trên rất lý tưởng cho việc nuôi biển xa bờ ở Trường Sa.
Đây cũng được xem là một hướng đi để phát triển mạnh kinh tế biển, nhất là việc nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng đề án nuôi biển công nghệ cao và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 1.100 ha, sản lượng nuôi biển đạt 15.000 tấn; đến năm 2030, diện tích nuôi biển tăng lên 1.500 ha.
Để đạt được mục tiêu trên, tại vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), một số doanh nghiệp đã áp dụng mô hình nuôi biển bằng lồng tròn HDPE. Mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, rất phù hợp với nuôi biển ở Trường Sa như: độ bền - có thể chịu được bão cấp 12, mức độ thân thiện với môi trường... đều vượt trội hơn so với nuôi lồng bè truyền thống. Ngoài ra, việc chăm sóc bằng công nghệ thông minh, thu hoạch đơn giản, tiết kiệm được nhân công cũng là một lợi thế.
Chưa kể, khi việc nuôi biển ở Trường Sa thành công sẽ là tiền đề để phát triển du lịch tại đây; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào việc nuôi biển công nghệ cao; hạn chế và tiến đến xóa bỏ tình trạng các tàu cá vi phạm khai thác IUU...
Theo định hướng chính sách phát triển huyện đảo Trường Sa, trong Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã cho phép Khánh Hòa cùng với cả nước xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Quỹ được thành lập với mục đích kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để Trường Sa hình thành một vùng dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua đó tạo điều kiện cho ngư dân tổ chức nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu ngay trên biển.
Với lợi thế nằm trên trục kinh tế "xương sống" của khu vực, vị trí bản lề giữa biển với đất liền, ở ngay tâm hình học của khu vực Đông Nam Á, Trường Sa có đầy đủ điều kiện để phát triển nghề cá xa bờ và tạo ra những sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao đến với các thị trường nhanh nhất và tốt nhất.
Phát huy giá trị khu bảo tồn biển đảo Nam Yết
Không chỉ có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế biển, quần đảo Trường Sa, gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ với rất nhiều rạn san hô, hệ sinh thái rất đa dạng. Do vậy, gắn với bảo vệ chủ quyền, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái vùng biển đảo này. Đảo Nam Yết là một ví dụ.
Đảo Nam Yết thuộc cụm Nam Yết. Cụm đảo này là một rạn san hô vòng phức cỡ lớn của quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, đảo Nam Yết có hình bầu dục, thềm san hô bao quanh đảo có diện tích lớn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, nền nhiệt độ của cụm Nam Yết được đánh giá là ổn định nhất trong quần đảo với 28,5 độ C. Do đó, vùng biển cụm đảo này được đánh giá là trung tâm phát tán nguồn giống hải sản tự nhiên trên biển Đông. Đặc biệt, nơi đây còn có sự đa dạng của 5 nhóm động vật đáy (động vật ruột khoang, giun nhiều tơ, giáp xác, thân mềm và da gai). Phần dưới biển phía Nam của đảo là những vách đá dựng đứng có nhiều loại san hô bám khá độc đáo. Đây được đánh giá là nơi phong phú nhất về thành phần loài san hô và xuất hiện cả san hô đỏ vô cùng quý hiếm.
Với sự đa dạng sinh học vượt trội, khu bảo tồn biển đảo Nam Yết tiêu biểu cho các hệ sinh thái thảm cỏ biển và rạn san hô ở cụm đảo trung tâm quần đảo Trường Sa.
Cùng với Nam Yết, sự cần thiết của việc thành lập thêm 2 khu bảo tồn biển đảo cũng nên được cân nhắc và đầu tư, đó là khu bảo tồn biển đảo Song Tử Tây - tiêu biểu cho các hệ sinh thái đảo nổi và rạn san hô phía Bắc quần đảo Trường Sa và khu bảo tồn biển đảo Thuyền Chài - tiêu biểu cho kiểu rạn san hô kín ở phía Nam quần đảo Trường Sa.
Có thể thấy, việc biến lợi thế riêng có của quần đảo Trường Sa trở thành động lực thúc đẩy kinh tế biển. Từ đó khơi dậy khát vọng vươn cao, khát vọng phát triển theo trục kết nối nuôi trồng - khai thác - du lịch - quốc phòng..., để Trường Sa thật sự trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước và là pháo đài vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khai thác tối đa nguồn năng lượng "trời cho"
Quần đảo Trường Sa còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, năng lượng sóng và gió với chế độ gió mùa đóng vai trò quyết định.
Khu vực biển Đông vốn chịu ảnh hưởng của những loại hình thời tiết tiêu biểu, đó là gió mùa Đông Bắc; gió mùa Tây Nam; mưa bão và áp thấp nhiệt đới. Trường gió trung bình khá mạnh chính là biểu thị tiềm năng khai thác năng lượng gió tương đối lớn.
Đối với năng lượng sóng trên biển Đông lại phụ thuộc trực tiếp vào chế độ gió mùa. Vào thời kỳ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, gió mùa Đông Bắc tạo ra vùng năng lượng sóng khá mạnh trên vùng Bắc và giữa biển Đông với năng lượng sóng cực đại đạt khoảng 40 KW/m. Vào tháng 12 đạt bao phủ toàn bộ vùng giữa biển Đông, được xem là thời gian khai thác năng lượng sóng thuận lợi nhất trong năm với biên độ cực đại đạt 25 KW/m.
Trường Sa vốn nằm ở vị trí được xem là cửa ngõ đón bão và áp thấp nhiệt đới từ Philippines đi vào và biển Đông cũng là 1 trong 5 ổ bão lớn trên thế giới nên việc lựa chọn thiết bị khai thác có khả năng chịu đựng cao là rất quan trọng. Có thể kể đến thiết bị Limpet cho khai thác năng lượng sóng tại khu vực ven bờ và Wave Dragon hoặc Pelamis cho khu vực ngoài khơi.
Bình luận (0)