Vở kịch sử Việt "Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử" (tác giả Phạm Văn Quý, chỉnh lý kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn Hoàng Duẩn) đang gây sốt vé cho hai suất 21 và 28-4 tại Nhà văn hóa Thanh Niên.
Trong đó, nếu vai diễn Lê Văn Duyệt của Đình Toàn tạo được sức hút dưới sự hóa thân xuất thần của một người nghệ sĩ vốn mang trái tim yêu sử Việt thì vai phản diện của Đại Nghĩa với nhân vật Huỳnh Công Lý cũng không kém phần hấp dẫn.
Điều khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao ở năng lực lao động nghề vô cùng nghiêm túc của Đại Nghĩa, chính là anh tập trung cao độ để thể hiện sâu tính cách nhân vật. Vốn là một MC duyên dáng, một diễn viên hài có khả năng ứng biến và tạo được tiếng cười sôi nổi nhưng khi vào vai Huỳnh Công Lý, anh không chọc cười vô tội vạ. Anh nghiêm chỉnh với từng câu thoại, dù có nhiều lớp diễn anh có thể tung tẩy thoải mái bởi tính cách tham lam, tàn bạo của nhân vật trước những lợi ích cá nhân đạt được.
Tuy nhiên, Đại Nghĩa đã có sự kềm chế, không bộc phát "tự nhiên chủ nghĩa" để vai diễn thật đẹp trong mắt khán giả và xứng đáng với những tràng pháo tay sau mỗi hành động, cử chỉ, lời thoại.
Cái hay của nhân vật chính là những đoạn đối đáp rất đời giữa hai nhân vật ở hai thái cực: thiện và ác. Huỳnh Công Lý của Đại Nghĩa vì thế là một bổ sung cần thiết để những đoạn cao trào, nhân vật Lê Văn Duyệt lên án cường quyền, tham ô, bất chính, chiếm được sự tin yêu của nhân dân đạt đến độ thuyết phục.
Ở góc độ nghệ thuật thể hiện nhân vật, Đại Nghĩa đã bước lên một tầng cao mới, ngự trị trong sự căm ghét khi anh diễn vai phản diện nhưng lại được tán dương. Người xem thích thú bởi họ biết kết cuộc số phận của Huỳnh Công Lý sẽ bị Lê Văn Duyệt xử án, nhưng họ chờ đợi để rồi dự đoán, suy gẫm cách thể hiện của Đại Nghĩa. Từ đó, họ thán phục sự thông minh trong cách xử lý từ đài từ, cách nhấn nhá cho đến những cung bậc tình cảm của nhân vật là cha vợ của vua Minh Mạng, không thể tin có ngày lại bị xử án dưới tay Tả quân Lê Văn Duyệt.
Trên hành trình hơn 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu kịch nói Việt Nam, nhiều vai diễn phản diện đã trở thành thương hiệu và chính điều này cũng giúp các nghệ sĩ đạt được độ uy tín khi nhận vai từ các đạo diễn. Với Đại Nghĩa và cả với Đình Toàn, vở diễn sử Việt này của Nhà hát Kịch IDECAF là một cơ hội tỏa sáng.
Nhân vật phản diện thường là những số phận tạo nên những xung đột. Họ đối lập với các vai chính diện, trở thành đại diện của những vấn đề phản phúc, phi nghĩa và mang bộ mặt ác.
"Tôi hiểu khi đóng vai phản diện là không dễ, nó đòi hỏi tôi phải có những hiểu biết nhất định về cuộc sống và xã hội của nhân vật thì mới có thể hóa thân tốt. Tôi muốn phản chiếu những góc khuất, những khoảng tối sâu thẳm trong tâm can Huỳnh Công Lý. Qua đó, mang những bài học cảnh tỉnh đến người xem hôm nay, để có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về lịch sử. Và điều tích cực là hướng đến đời cộng đồng bằng những điều tốt đẹp, để cùng yêu sử Việt và tác phẩm mà chúng tôi đã dày công tập luyện" - nghệ sĩ Đại Nghĩa bày tỏ.
Bình luận (0)