Ngày 18-9, khi đến cơ quan BHXH làm thủ tục BHXH, ông Vũ Đình Thoan, cựu nhân viên phòng vận hành Công ty TNHH T.P (quận 7, TP HCM), rất ngạc nhiên khi được biết công ty này vẫn tồn tại. Trong khi đó, hơn 1,5 năm trước, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với ông với lý do kết thúc hoạt động.
Doanh nghiệp thiếu trung thực
Theo ông Thoan, tháng 2-2019, ông ký HĐLĐ không xác định thời hạn với Công ty T.P và được bố trí làm việc trong tổ vận hành tại một trung tâm thương mại ở quận 7.
Ngày 12-1-2022, công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông Thoan từ ngày 1-3-2022. Lý do là tình hình dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, công ty đã tìm mọi cách khắc phục nhưng vẫn phải chấm dứt hoạt động. Đến ngày 28-2-2022, ông Thoan nhận được thông báo quyết định nghỉ việc.
Vào thời điểm đó, dù là ủy viên ban chấp hành Công đoàn công ty nhưng ông Thoan không được mời dự bất cứ cuộc họp nào liên quan việc kết thúc hoạt động, giải thể và phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp (DN). Trước khi cho ông nghỉ việc, công ty cũng không trao đổi với ban chấp hành Công đoàn.
"Lúc đó, tôi hoàn toàn tin tưởng công ty bởi khi thông báo cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc, Công đoàn cơ sở cũng đã giải thể. Đoán chắc công ty đã chấm dứt hoạt động nên tôi không có ý kiến gì" - ông Thoan cho hay.
Sau đó, ông Thoan đi làm việc tại Đắk Lắk nên không có thông tin về Công ty T.P. Đến tháng 9-2023, khi tới cơ quan BHXH làm thủ tục cộng nối thời gian tham gia BHXH thì ông mới biết công ty chưa giải thể. Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN cũng hiển thị trạng thái công ty này "đang hoạt động".
Bức xúc, ông Thoan đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM. Song, cơ quan này không thụ lý đơn do đã hết thời hiệu khiếu nại.
Công ty TNHH B.M.T.N (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng lấy lý do gặp khó khăn về tài chính rồi thông báo đóng cửa trụ sở từ ngày 5-11. Riêng tiền lương tháng 9 và 10-2023 của NLĐ, công ty cho hay sẽ thanh toán đầy đủ khi có nguồn tài chính hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản bởi tình hình DN rất khó khăn.
Sau thông báo này, Công ty B.M.T.N yêu cầu nhân viên không đến làm việc nữa và trả văn phòng thuê. Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa hoàn tất thủ tục chấm dứt HĐLĐ, thanh toán lương và chốt BHXH cho NLĐ.
"Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty vẫn còn hoạt động và sử dụng một số lao động làm việc trực tuyến. Đây là hành vi không trung thực của công ty nhằm né tránh giải quyết quyền lợi cho NLĐ" - bà Nguyễn Hoàng Khánh Vân, một nhân viên Công ty B.M.T.N, bức xúc.
Cảnh giác "chiêu trò" của doanh nghiệp
Cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Trinh cùng nhiều công nhân bị Công ty TNHH V.G (huyện Hóc Môn, TP HCM) cho thôi việc với lý do DN gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động.
Sau khi nghỉ việc, bà Trinh phát hiện công ty không ngừng hoạt động như thông báo mà chuyển trụ sở qua quận Tân Bình và tiếp tục tuyển dụng công nhân. Ấm ức, bà khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi khi tòa đồng tình với lập luận của công ty rằng DN chỉ duy trì hoạt động khối văn phòng nhằm giải quyết các công việc tồn đọng; chưa có kế hoạch sản xuất trở lại, cũng không tuyển thêm công nhân.
Bà Trinh băn khoăn: "Công ty cho NLĐ nghỉ việc với lý do ngừng hoạt động nhưng chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào về việc chấm dứt hoạt động và vẫn tồn tại hơn 2 năm qua. Việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ khi còn hoạt động liệu có hợp lý?".
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Trọng Thêm, điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers, cho rằng để bảo đảm việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đúng quy định thì khi tạm ngừng hay chấm dứt hoạt động, DN phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo Luật DN. Theo đó, DN phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký sản xuất - kinh doanh chậm nhất là 3 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động. Trong thời gian tạm ngừng đó, DN phải nộp đủ thuế, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và NLĐ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp DN giải thể thì phải thực hiện các trình tự, thủ tục, như thông qua nghị quyết, quyết định giải thể. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi thông qua nghị quyết, quyết định giải thể, biên bản họp phải được gửi đến cơ quan đăng ký sản xuất - kinh doanh, cơ quan thuế và NLĐ trong DN. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN; niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN. Nếu DN còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan.
"Để tránh thiệt thòi trong trường hợp DN lấy lý do tạm ngừng, chấm dứt hoạt động hay giải thể để cho thôi việc thì trước khi thực hiện chấm dứt HĐLĐ, NLĐ cần yêu cầu DN chứng minh lý do" - luật sư Lê Trọng Thêm nhấn mạnh.
Ưu tiên giải quyết lương, trợ cấp
Theo quy định của Luật DN, khi DN giải thể, các khoản nợ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên là: Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, HĐLĐ đã ký kết... DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài.
Bình luận (0)