Các nghị quyết, kết luận, chính sách của Trung ương dành cho TP Buôn Ma Thuột thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc cần có sự hỗ trợ quyết liệt, hiệu quả để Buôn Ma Thuột phát triển xứng tầm.
Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cả về khách quan lẫn chủ quan kìm hãm sự phát triển. Trong đó, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tình hình an ninh thế giới diễn biến khó lường, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đôi lúc, đôi nơi vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Giá cả nguyên vật liệu biến động kéo dài, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Việc lần đầu tiên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho cấp huyện (thành phố trực thuộc tỉnh) trong công tác quy hoạch khiến thành phố còn lúng túng, vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, học hỏi. Trong quá trình lập quy hoạch xuất hiện những yếu tố mới về định hướng phát triển và kêu gọi đầu tư phát triển đô thị phải điều chỉnh cục bộ dẫn đến thay đổi phương án nhiều lần, làm chậm trễ tiến độ.
Việc rà soát, phối hợp với các sở, ngành trong công tác đề xuất danh mục quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 còn chậm, việc phối hợp kiểm tra, xử lý các vướng mắc phát sinh chưa kịp thời.
Cũng theo UBND TP Buôn Ma Thuột, quan hệ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền đôi lúc chưa thật chặt chẽ, chưa hiệu quả. Nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ nên lúng túng, thụ động trong tìm giải pháp. Văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm, có việc thiếu tập trung, kiên quyết, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, ngại đổi mới...
Cần thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách cho Buôn Ma Thuột
Trong Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103 của Chính phủ, Nghị quyết 72 của Quốc hội... đã chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, điểm đến cà phê của thế giới.
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, để bổ sung thêm nguồn lực, tạo điều kiện xây dựng TP Buôn Ma Thuột theo các mục tiêu, định hướng đã đề ra, thành phố rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ Trung ương. Trong đó, UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị Trung ương quan tâm, ưu tiên tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm được nêu tại Nghị quyết số 103 như Trung tâm thể thao trọng điểm vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, quan tâm bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây trong giai đoạn 2026-2030. Tăng khả năng kết nối, khai thác hiệu quả Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường nối Quốc lộ 26 - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 8 - Tỉnh lộ 5 - Tỉnh lộ 1 với quy mô 43,6 km. Đầu tư xây dựng 4 dự án kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng… Từ đó, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa Buôn Ma Thuột và các huyện, các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố và các tỉnh trong khu vực.
Đối với mục tiêu trở thành điểm đến của cà phê thế giới, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho rằng sự hỗ trợ từ Trung ương là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trước hết là các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Bởi hiện chỉ khoảng 20% sản lượng cà phê được chế biến sâu, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Đối với hạ tầng giao thông như đã đề cập ở trên, thành phố cần Trung ương đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch giúp Buôn Ma Thuột kết nối dễ dàng với các cảng biển lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê.
Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại quốc tế và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới. Các sự kiện như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu lớn để thu hút sự chú ý từ thị trường toàn cầu.
Phấn đấu là điểm đến yêu thích, đáng sống
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk vừa qua, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Đắk Lắk là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Đắk Lắk là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả hòa quyện, chất chứa tâm tư, khát vọng về cuộc sống bình yên của những con người chất phác, phóng khoáng.
Để vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm, điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên, Phó thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ tại các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển TP Buôn Ma Thuột.
Từ đó tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Đắk Lắk "trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống"...
Bình luận (0)