Thời gian qua, TP HCM đã đề ra nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Dù vậy, những cơ chế, chính sách này vẫn còn nhiều bất cập khiến việc thu hút nhân tài không được như kỳ vọng.
Điển hình, giai đoạn 2014 - 2019 thu hút được 19 người về làm việc; giai đoạn 2019 - 2022, 14/19 chuyên gia được tuyển về đã rời đi và trong số 5 chuyên gia được tuyển mới thì chỉ có 1 người đã ký hợp đồng và đang làm việc.
Những bất cập
Trước hết phải nhìn nhận các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài còn mang tính nguyên tắc; nội dung các quy định chưa hợp lý, mới chỉ đề cập những ưu tiên, ưu đãi cho những người có năng lực, trình độ cao (chủ yếu là nặng về bằng cấp).
Trong khi đó, nhiều nội dung quan trọng khác như cách thức sử dụng người có tài năng, môi trường làm việc, sự thăng tiến, chế độ đãi ngộ... chưa được thể chế hóa.
Ngoài ra, thu nhập cho chuyên gia hiện nay chưa phù hợp; điều kiện, thời gian, không gian làm việc chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng. Đặc biệt, chế độ đãi ngộ của TP HCM cho các chuyên gia, nhà khoa học vẫn còn thiếu cạnh tranh so với các nước khác và thấp so với khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, quy trình xét tuyển dài và thủ tục hành chính phức tạp cũng gây một phần trở ngại với các nhà khoa học và chuyên gia trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi.
Trong khi đó, dù TP HCM là một trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng vẫn đang gặp phải vấn đề chảy máu chất xám và khó khăn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.
Thành phố chỉ đứng thứ 95/133 thành phố theo đánh giá của INSEAD về năng lực giữ chân nhân lực, thứ 102/122 thành phố theo đánh giá của EIU về mức độ đáng sống.
Nhiều tài năng khoa học - công nghệ chọn làm việc và sinh sống ở nước ngoài, nhân tài ngoài nước ít chọn lựa TP HCM làm điểm đến khi tìm kiếm cơ hội làm việc.
Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt
Với định hướng và tầm nhìn mới, để phấn đấu trở thành một nơi đáng sống với nguồn nhân tài đẳng cấp thế giới, thị trường tiềm năng thu hút nguồn nhân sự lãnh đạo cấp cao với các chính sách ưu đãi rộng mở và chất lượng cuộc sống tiện nghi, TP HCM cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước tiên, cần xây dựng chính sách ưu đãi và visa dài hạn như cấp giấy phép làm việc hoặc thị thực dài hạn đặc biệt cho nhóm quản lý cấp cao với những nhà sáng lập công nghệ, giám đốc điều hành ngành tài chính; thiết lập các chính sách ưu đãi về nhập cảnh dành cho cá nhân nước ngoài đến Việt Nam làm việc hoặc tham dự hội thảo trong khuôn khổ Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM; cung cấp ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nhằm thu hút các giám đốc điều hành về tài chính, chuyên gia đầu tư từ những tổ chức hàng đầu và các nhóm phát triển Fintech thuộc những công ty khởi nghiệp tiềm năng. Ví dụ như chương trình của Singapore trợ cấp tiền lương và 50% chi phí văn phòng trong tối đa 2 năm cho các vị trí cấp cao về quản lý tài sản.
Phát triển và xây dựng cơ sở vật chất cao cấp hàng đầu tại khu vực Thủ Thiêm để thu hút và giữ chân nhân tài quốc tế, bao gồm xây dựng trường học quốc tế, khu vui chơi giải trí, khu vực công cộng nhiều cây xanh, cơ sở y tế tiêu chuẩn quốc tế; phát triển và xây dựng các lựa chọn về nhà ở kinh tế hơn tại TP Thủ Đức nhằm phục vụ cho nhân sự trong lĩnh vực Fintech.
Thu hút các trường đại học quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu nội địa. Ví dụ như Abu Dhabi (UAE) tài trợ cho Đại học New York xây dựng một cơ sở đại học tại địa phương nhằm thu hút tài năng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện.
Thành lập quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo nhằm kết nối sinh viên tốt nghiệp với các cơ hội nghề nghiệp ngành tài chính. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành tài chính.
Nâng cao năng lực tiếng Anh của lực lượng lao động, bao gồm xây dựng chương trình giáo dục tiếng Anh cho học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các ưu đãi khuyến khích học tập như giảm trừ/hỗ trợ học phí cho các chương trình đào tạo tiếng Anh.
Đổi mới công tác quản lý khu vực công
Đối với khu vực công, thành phố cần phát huy tối đa cơ chế của Nghị quyết 98 trong thực hiện chính sách tiền lương để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tạo cơ hội thăng tiến cho đội ngũ tài năng trẻ sau khi thu hút vào làm việc trong khu vực công. Đổi mới công tác quản lý nguồn nhân lực, thu hút, giữ chân nhân tài trong khu vực công đang là yêu cầu tất yếu, cấp bách, quan trọng trong tình hình mới. Về lâu dài, cần đánh giá khách quan, toàn diện công tác này để hoàn thiện hệ thống thể chế, tạo môi trường công tác hấp dẫn như mô hình công sở tại các nước phát triển nhằm thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Bình luận (0)