Khán giả đã dần hình thành thói quen sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc, đây cũng là một yếu tố quan trọng để hình thành nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Việc tổ chức sự kiện âm nhạc quốc tế tại Việt Nam không chỉ nâng tầm vị thế trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa mà còn góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho ngành du lịch, giải trí. Để công nghiệp âm nhạc phát triển, từng bước hội nhập quốc tế, thực sự đóng góp vào GDP của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cần quan tâm những vấn đề sau:
Một là, Nhà nước cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, mặt bằng có quy mô phù hợp để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Tăng cường tính tự chủ cho các đơn vị tổ chức sự kiện, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn lực, quảng bá, phát triển thị trường công nghiệp âm nhạc, đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công - tư rõ ràng.
Hai là, tạo thêm nhiều cơ hội học hỏi, cọ xát và trực tiếp thực hành trên những môi trường tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân lực liên quan của Việt Nam.
Ba là, mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc để học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Kết nối mạng lưới, tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế; chú trọng lồng ghép chương trình văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác liên doanh với các tổ chức nước ngoài trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trong tổ chức các chương trình, sản phẩm, liên hoan văn hóa nghệ thuật.
Bình luận (0)