icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam (*): Kiến nghị, đề xuất của giới chuyên môn

Thanh Hiệp - Minh Khuê

Những kiến nghị, đề xuất và giải pháp từ giới chuyên môn góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam thể hiện kỳ vọng vào sự thay đổi và phát triển bằng những chủ trương tích cực, hiệu quả

Cả nước hiện có 130 đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm mũi nhọn phục vụ công chúng. Đây là những hoạt động cần được tiếp tục đầu tư, khuyến khích phát triển để tạo ra giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh và phổ biến ra thị trường quốc tế.

Sân khấu "khát" cơ chế đặc thù

Sân khấu chiếm thị phần tương đối ổn định trong hoạt động văn hóa - giải trí tại TP HCM. Trong đó, xem kịch đã là "đặc sản" của người dân TP HCM, khi có đến 14 đơn vị sân khấu xã hội hóa đang hoạt động mạnh.

Đạo diễn Quốc Thảo cho rằng trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH. "Sân khấu TP HCM và cả nước muốn hòa nhập quốc tế, góp phần phát triển CNVH Việt Nam thì phải có những cơ chế đặc thù hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để có thể phát huy hết thế mạnh..." - đạo diễn Quốc Thảo nói. Ông cho rằng phải có lộ trình hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhất là các sân khấu xã hội hóa đang có nguồn lực về tài năng, sức trẻ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Kịch IDECAF, cho rằng các DN hoạt động trong mảng CNVH rất cần cơ chế đặc thù trong việc vay vốn có lãi suất ưu đãi. Theo ông, các quốc gia xuất khẩu các sản phẩm CNVH vừa làm tăng nguồn thu vừa góp phần nâng cao uy tín quốc gia, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Vì thế, họ hỗ trợ tích cực cho các DN có nguồn vốn để sản xuất ra sản phẩm văn hóa.

"Để các ngành CNVH của Việt Nam phát triển đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược đến năm 2030 là đóng góp 7% GDP, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện việc ưu đãi, có cơ chế đặc thù để hỗ trợ sân khấu phát triển" - ông Tuấn đề xuất.

Chương trình Giới thiệu Nghệ thuật cải lương và Nhạc cụ dân tộc do Trường Đại học FPT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức biểu diễn tại Bưu điện TP HCM, thu hút đông du khách Ảnh: THANH HIỆP

Chương trình Giới thiệu Nghệ thuật cải lương và Nhạc cụ dân tộc do Trường Đại học FPT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức biểu diễn tại Bưu điện TP HCM, thu hút đông du khách (Ảnh: THANH HIỆP)

NSƯT Ca Lê Hồng kiến nghị để xây dựng ngành CNVH Việt Nam "sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh", rất cần cơ chế đãi ngộ cho công tác đào tạo, từ học viên cho đến giáo viên, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực đúng chuẩn, xứng tầm.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Múa rối Thăng Long diễn kín lịch mỗi ngày phục vụ du khách trong và ngoài nước. Việt Nam cũng trở thành điểm đến của các nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thế giới. "TP HCM có nhiều sân khấu thu hút đông khán giả. Để phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình thực hiện CNVH, rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn để xây dựng nhiều dự án sân khấu hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị lan tỏa trong khu vực, từ đó thu hút du khách đến với sân khấu TP HCM" - ông Hà nói.

Tận dụng nền tảng số

Các nhà chuyên môn cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM và các tổ chức thành viên thông qua Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam được quyền khai thác các sản phẩm văn học nghệ thuật đã được số hóa, chuẩn hóa tham gia vào quá trình phát triển CNVH. Nguồn thu từ việc khai thác dữ liệu số mang lại sẽ đầu tư vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách cùng Chính phủ…

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên Khoa Báo chí (Đại học KHXH&NV Hà Nội), kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác... "Hoạt động biểu diễn sân khấu thực cảnh tại Việt Nam, như ở Hà Nội có "Tinh hoa Bắc Bộ", Đà Nẵng có "Ký ức Hội An", TP HCM có "Lễ hội sông nước"… rất cần đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số ở các quốc gia có nền giải trí tiên tiến thông qua các hiệp hội du lịch quốc tế" - bà Thái nhấn mạnh.

Trăn trở về nguồn nhân lực

Ở mảng điện ảnh, đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định: "Để điện ảnh TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển thì nên làm song song việc đào tạo nhân lực và xây dựng phim trường chuyên nghiệp như các nước lân cận trong khu vực".

Ông Hòa nói hiện nay đa phần các hãng phim đều tự đào tạo nhân lực cho mình bằng cách thức riêng. Tuy nhiên, muốn có nguồn nhân lực đồng đều ở mọi khâu và cung cấp cho thị trường thì cần cơ quan quản lý với sự nhất quán. Việc tăng nguồn nhân lực chuyên nghiệp là cách để tăng chất lượng và số lượng phim.

Đạo diễn Nhật Bản Kore-eda Hirokazu giao lưu tại buổi chiếu phim “Broker” (Người môi giới) tại Nhà hát TP HCM. Ảnh: HIFF 2024

Đạo diễn Nhật Bản Kore-eda Hirokazu giao lưu tại buổi chiếu phim “Broker” (Người môi giới) tại Nhà hát TP HCM. (Ảnh: HIFF 2024)

Đồng ý với đề xuất này, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh cho rằng phim Việt phát triển bền vững, có sản phẩm ấn tượng thì mới góp phần vào việc quảng bá văn hóa và du lịch Việt. Tuy nhiên, để có được điều này, nguồn nhân lực là vấn đề trọng yếu, nhất là người trẻ. Bà Hồng Ánh nhận định nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần không gian cho sự kế thừa và kết nối giữa các thế hệ làm nghề. Việc tìm ra những tài năng trẻ, hỗ trợ, nâng đỡ họ trong mọi lĩnh vực làm nghề luôn cần nhiều sự tâm huyết, từ nhiều phía.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng hiện kịch bản hay vẫn rất thiếu cũng như những nhân lực chuyên nghiệp chưa đều. Nếu cùng lúc có nhiều đoàn làm phim cùng quay thì nhân lực chuyên nghiệp sẽ là vấn đề lớn. 

Tạo điều kiện cho giới trẻ

Đạo diễn Trần Anh Hùng cho rằng điện ảnh Việt không thiếu nhà làm phim trẻ giỏi, như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân….

Ông nói cái cần hiện nay là chính phủ giúp các bạn trẻ đam mê nghệ thuật có điều kiện học tập, giao lưu, tác nghiệp thuận lợi hơn. "Tôi nghĩ nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho điện ảnh. Đất nước nào, quốc gia nào có nền điện ảnh mạnh đều cần chính sách đầu tư hợp lý. Việt Nam ta đã có nhiều bạn trẻ, nghệ sĩ trẻ tiềm năng, những nhà làm phim tốt cũng đã có, chỉ cần sự giúp đỡ một cách bài bản, chính sách cho tốt!" – đạo diễn Trần Anh Hùng gợi ý.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo