Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: VH-TT-DL) phối hợp Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức ngày 21-5 với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn có vai trò dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực hàng không, lữ hành, khách sạn.
Cần nghỉ hè đến tháng 9
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh để phục hồi, ngành du lịch cần kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn nhằm mang tính cộng hưởng, lan tỏa.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định việc kích cầu du lịch nội địa chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay bởi các DN kinh doanh du lịch đều "đói" việc trong khi giá máy bay rẻ chưa từng có.
Tuy nhiên, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết công ty này đã đưa ra nhiều chương trình kích cầu liên kết với các đối tác để tối đa hóa thị trường khách du lịch nội địa nhưng người dân vẫn còn e dè, ngại tập trung du lịch theo nhóm. Do đó, ông Tài kiến nghị cần truyền thông tốt hơn để giải tỏa tâm lý của người dân.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng chủ trì hội nghị
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải tạo ra nền du lịch Việt Nam mới chứ không phải phục hồi nền du lịch kiểu cũ. Đặc biệt, cần nhìn nhận phục hồi ngành du lịch là khởi đầu việc phụ hồi các ngành kinh tế khác. "Tôi vừa vào tỉnh Khánh Hòa, thấy tình trạng đìu hiu kinh khủng. Chủ khách sạn nói học sinh ở nhà thì bố mẹ cũng ở nhà. Chỉ có khách đi họp chứ không có khách du lịch nên Tổng cục Du lịch cần có những giải pháp đột phá. Chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu giáo dục lùi thời gian bắt đầu năm học mới. Tôi nghĩ nên kéo dài kỳ nghỉ hè đến hết tháng 9 để kích cầu du lịch" - ông Thiên ý kiến.
Giảm giá nhưng không để phá sản
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng để vượt qua khó khăn hiện nay, các DN phải liên kết với nhau. "Có DN phàn nàn giá thấp nhất là giết tất cả mọi người nhưng rõ ràng phải có giá tốt để kích cầu. Nếu không hạ giá thì DN du lịch sẽ chết trước" - ông Bình cảnh báo.
Ông Bình cũng nhấn mạnh nhà nước phải đồng hành với các DN từ những việc đơn giản như các khu du lịch, điểm tham quan giảm giá vé. Hiện các gói kích cầu của nhà nước, DN du lịch chưa tiếp cận được. "Phải liên minh kích cầu làm sao trong 2 tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau 4 tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế" - ông Bình nói.
Nhận định về sự liên kết giữa các DN trong ngành du lịch, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng cho rằng đây là tín hiệu rất vui. Ông lưu ý các bên phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi bởi các DN nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu.
Chuẩn bị cho thị trường quốc tế
Ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch TAB, nhận định thị trường du lịch trong và ngoài nước đều quan trọng. Việt Nam cần cân nhắc mở cửa đối với khách quốc tế để có được nguồn thu lớn, đồng thời thực hiện công tác truyền thông thật tốt để khách thấy Việt Nam là điểm đến an toàn.
Việt Nam hiện có hơn 300 trường hợp Covid-19, không có ca tử vong. Theo ông Steve Wolstenholme, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Hoiana), thành tích này là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch Việt Nam. "Việt Nam sẽ rất hấp dẫn du khách nếu biết tận dụng hình ảnh" - ông Steve Wolstenholme tin tưởng.
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không VietJet, khẳng định với ngành hàng không, việc phục hồi du lịch quốc tế có thể tiến hành lập tức khi Chính phủ cho phép, vì mọi thứ đều đã sẵn sàng. Ngay từ bây giờ, các hãng hàng không có thể mở rộng hình thức quảng bá, bán vé trước để du khách các nước lập kế hoạch du lịch đến Việt Nam dịp cuối năm.
Ông Trịnh Hồng Quang đề nghị Tổng cục Du lịch đôn đốc các đơn vị liên quan để có mục tiêu mở cửa sớm, đồng thời quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn.
Liên quan tới phục hồi du lịch quốc tế, Thứ trưởng Lê Quang Tùng thừa nhận công tác truyền thông điểm đến an toàn của chúng ta còn yếu. Thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, thời điểm mở lại thị trường quốc tế theo từng giai đoạn. "Chúng ta chỉ sẵn sàng khi Việt Nam và các nước khác song phương đồng ý mở cửa" - ông Tùng lưu ý.
Bình luận (0)