Ở cái xứ đầy nắng và gió như Phú Yên, người ta không dễ nhận ra mùa thu về từ khi nào nếu không có một buổi trưa về ngang ngõ, chợt thoảng nghe mùi hương bông giờ trong nồi canh chua mẹ nấu. Còn những người xa quê, khi nhận ra mùa thu thì lại nhớ ngay cái mùi hương rất riêng của bông giờ.
Canh chua bông giờ - món ăn đặc trưng của Phú Yên
Có người bảo tên gọi bông giờ vì nó nở rất đúng thời gian, chỉ mọc khi thu về. Có người lại bảo tên gọi đúng của nó là bông giề, tức mọc theo từng giề. Dân Phú Yên nói ê thành ơ nên mới trở thành bông giờ. Nhưng giờ hay giề có gì đâu quan trọng. Bởi loài hoa ấy chỉ mọc nhiều ở Phú Yên và cũng chỉ có người dân xứ nẫu đặt tên cho nó.
Hiếm có loài hoa nào có sức sống mãnh liệt như bông giờ. Mưa đến thối đất, nắng đến cháy da, bụi bông giờ trụi lủi nhưng khi thu đến, chỉ cần một trận mưa rào thì từ bụi hoa cũ, những cái bông be bé, hồng hồng, tim tím lại đội đất nhú lên. Nó như con người Phú Yên vậy. Sống trong điều kiện khắc nghiệt nào cũng chịu được để đợi 1 ngày đơm hoa.
Hương bông giờ trong tô canh chua mẹ nấu làm thổn thức bao người con xa xứ
Bông giờ khi mọc lên không tỏa hương là mấy nhưng khi đã đi vào món ăn nào thì cứ làm cho món ấy dậy hương. Nồi rau luộc nào mà luộc cùng vài cái bông giờ thì chưa gắp ra đĩa đã nghe bụng réo. Tô canh rau tập tàng mà thêm vài cái bông giờ vào thì mới về đến ngõ đã muốn quẳng quang gánh chạy vào ăn cho bằng được. Cái bánh xèo nào cho ít cánh bông giờ vào thì chỉ cần mở nắp khuôn đầu xóm, cuối xóm đã chắp hít. Cái hay của bông giờ là hương của nó không lấn át, che lấp mà lại làm tôn thêm hương thơm của món ấy. Vì vậy mà món ăn nào cũng có thể cho thêm ít bông giờ để ngon hơn. Hết bông, người ta lại nấu đến lá non. Những chiếc lá nhỏ như loa kèn được thái mỏng, nêm vào tô canh nấm khoang vừa hái được từ rừng về, thêm ít ớt xanh thì trời có sập cũng phải ăn cho kỳ hết.
Nhưng có lẽ tuyệt nhất và có sức lay động ký ức của những người xa quê nhất vẫn là canh chua nêm bông giờ. Một vài con cá nục rẻ tiền vừa được bắt lên ở biển gần bờ nấu với lá me non, cho thêm ít lát ớt xanh rồi nêm vài cái bông giờ thì đến trong giấc ngủ cũng còn hít hà. Nó gợi cho người ta nhớ về những hình bóng cũ. Về một ngôi nhà đơn sơ với người mẹ tảo tần, sớm sớm ra thăm vườn, xem thử có cái cái bông giờ nào vừa nhú lên để kịp ra chợ mua con cá về nấu canh chua cho đứa con yêu.
Bông giờ luôn gợi cho những người xa quê nhớ về những hình bóng cũ
Có lẽ vì vậy mà không ít người xa quê, lên thành phố lập nghiệp, trong số hành trang mang theo có vài củ bông giờ để trồng. Chẳng cho nhiều bông nhưng mỗi độ thu về, nhìn đôi ba cái bông tim tím đội đất nhô lên cũng giúp nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê.
Mỗi năm bông giờ chỉ nở một đợt vào mùa thu và cũng chỉ kéo dài độ mươi ngày. Vậy mà cứ làm thổn thức bao người xứ nẫu xa quê.
Bình luận (0)