Cách đây vài năm, do đặc trưng công việc quá bận rộn nên tôi chẳng có thời gian quan tâm đến con. Hệ quả, con trai tôi từ một đứa trẻ năng động, say mê các bộ môn thể thao dần trở nên thụ động, chỉ ngồi lặng lẽ ở góc nhà để chơi game. Thói quen này lâu dần biến con trai tôi trở thành người "nghiện game".
Hai vợ chồng tôi khi phát hiện ra vấn đề này đã cảm thấy rất sốc. Trong khoảng gần một năm rưỡi, chúng tôi đã loay hoay tìm đủ mọi cách từ quát mắng đến đòn roi nhưng con trai tôi vẫn không hề thay đổi. Tình trạng đó khiến không khí trong gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng.
Mời tham gia diễn đàn "cai nghiện game"
Nghiện game, nghiện mạng xã hội đang là căn bệnh trầm kha của giới trẻ. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và việc học, nghiện ngập những thú vui này còn khiến giới trẻ có những hành vi sai lệch, thậm chí gây án mạng vì có xu hướng làm theo nhân vật trên game, trên mạng xã hội.
Nhân chia sẻ của một phụ huynh có con nghiện game, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Làm sao cai nghiện game cho con? Mời bạn đọc chia sẻ câu những câu chuyện về tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội trong giới trẻ, các giải pháp hiệu quả giúp con em mình cai nghiện.
Địa chỉ nhận bài: diendannghiengame@gmail.com (ghi rõ thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng). Các bài viết được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút.
Tôi vẫn còn nhớ có những thời điểm con trai tôi trốn nhà đi chơi game tới khuya, hai vợ chồng đành sốt ruột đứng ngoài cổng chờ. Khi về đến nhà, nghe tiếng bố mẹ gọi, con trai tôi cũng chỉ ngước ánh mắt lờ đờ vô hồn nhìn lên nhưng không đáp gì cả. Thời khắc đó, trái tim tôi gần như vụn vỡ, cảm nhận được sự tuyệt vọng trong quá trình nuôi dạy con. Hơn bất kỳ ai, tôi hiểu mình phải thay đổi cách giáo dục con.
Từ đó, tôi bắt đầu tìm đọc trên sách, mạng Internet, rồi lân la trao đổi ý kiến với những phụ huynh có con nghiện game khác. Càng tìm hiểu, tôi càng hoảng loạn khi nhận thấy hệ quả của những đứa trẻ giống như con mình: đứa thì nghiện game đến độ sa sút học hành, thậm chí bỏ học trốn đi chơi; đứa khác thì phải điều trị tâm lý vì những chứng rối loạn tâm thần...
Mãi cho đến khi gặp được người bạn, vốn là chuyên gia tâm lý, hai vợ chồng tôi mới tìm được giải pháp. Tôi vẫn nhớ lời người bạn ấy nói: "Muốn cải thiện tình trạng nghiện game của con, bố mẹ không nên phê phán, mắng chửi hay áp dụng những hành vi cứng rắn để ép buộc con phải bỏ hẳn thói quen xấu. Ngược lại, chúng ta nên đồng hành và khéo léo nghĩ ra những tình huống có khả năng "cắt đứt" cơn nghiện game của bé".
Áp dụng theo lời khuyên này, trong suốt những ngày đầu của quá trình cai nghiện game cho con, thường xuyên mời bạn bè, người thân đến nhà vui chơi, ăn uống. Khi con trai tôi đang chăm chú vào trò chơi như thường lệ, mọi người xung quanh liên tục nhờ vả khiến việc chơi game của bé bị đứt quãng. Lúc đầu, con trai tôi tỏ ra vô cùng cáu kỉnh, khó chịu, thậm chí phản ứng mạnh như la hét, giậm chân vùng vằng khi bị làm phiền. Tuy nhiên, sau mỗi lần hoàn thành công việc, nhận được lời cảm ơn và khích lệ của mọi người, tâm tính của con trai tôi dần trở nên dễ chịu hơn.
Không chỉ liên tục "ngắt quãng" cuộc chơi của con, chồng tôi còn thường xuyên ngắt kết nối internet hoặc cài chế độ khóa ipad và cả điện thoại của bé. Mỗi lần gặp sự cố như thế, con trai tôi ra sức tìm đủ mọi cách để sửa chữa nhưng đều vô dụng. Thậm chí đôi khi, không tìm được giải pháp, cậu bé la hét ầm ĩ, chúng tôi đều phớt lờ.
Chồng tôi kiên định để mọi thiết bị điện tử ngay vị trí cũ để con trai làm quen dần với việc không đụng đến thiết bị ngay cả khi trong tầm mắt. Trong nhiều tuần sau đó, con trai tôi đã dần thay đổi theo hướng tích cực, từ chỗ cứ đi học về là lục tung nhà tìm kiếm dây sạc rồi hậm hực ngồi dò tìm mật khẩu, cáu gắt với tất cả mọi người đến việc dần nản chí, rời bỏ các thiết bị điện tử để theo bố mẹ ra ngoài đi bộ hoặc chăm sóc cây cối.
Cuối cùng, sau bốn tháng miệt mài "cai nghiện game" cho con, vợ chồng tôi đã thu hoạch được "quả ngọt". Con trai tôi không còn mê mải chơi game như trước, dẫu thi thoảng cũng có ý hỏi xin bố mẹ để chơi game nhưng nếu không nhận được sự đồng ý, cũng lặng lẽ gật đầu, chứ không cáu gắt như trước.
Cá nhân tôi cho rằng quá trình "cai nghiện game" cho con đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và khéo léo của các bậc cha mẹ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu tâm đến quá trình "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nghĩa là khi thấy con có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ quá 2 tiếng một ngày, cha mẹ nên có hành động nhắc nhở và can thiệp dần, chứ không đợi đến khi con nghiện game mới bắt đầu điều trị.
Bình luận (0)