Thời gian qua, nhằm chủ động đề ra các biện pháp tăng cường công tác Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều đợt diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng để xử lý tình huống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ theo các tình huống giả định đề ra.
Diễn tập Phòng Cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ tại Công ty TNHH Supor Việt Nam
Đơn cử mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội thi "Chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy cơ sở" dành cho cán bộ, công nhân, đội viên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Công ty TNHH Supor Việt Nam ở KCN Mỹ Phước I, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương, có 30 người tham dự, được chia thành 6 đội, trải qua 2 phần thi lý thuyết và thực hành. Ở phần thi thực hành, lần lượt từng đội thi sử dụng các phương tiện chữa cháy có sẵn để dập lửa và triển khai cứu nạn cứu hộ, di dời tài sản khi có cháy xảy ra… Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức có trao thưởng cho các công nhân ở mỗi phần thi.
Hay như Công ty TNHH LC Foods (Khu Công nghiệp Rạch Bắp, phường An Tây, TP Bến Cát, Bình Dương) đã tổ chức "Hội thi Chiến sĩ phòng cháy chữa cháy".
Hội thi được tổ chức với sự tham gia của 6 đội, mỗi đội có 5 công nhân, các đội dự thi phải trả lời trắc nghiệm liên quan tới Luật Phòng cháy chữa cháy và các nghị định liên quan.
Các đội thi là công nhân lao động phải tự triển khai đội hình chữa cháy cơ sở, tiến hành dập tắt đám lửa trong khay xăng, sử dụng lăng vòi, ba chạc triển khai đội hình lăng B để dập tắt đám cháy.
Kết thức bài thi, cơ sở thực hiện phối hợp lực lượng lượng Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ, giả định tình huống cháy tại vị trí nhà xưởng sản xuất chính, cơ sở triển khai đội hình 2 lăng B tiến hành chữa cháy ban đầu và phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ tiến hành dập tắt đám cháy.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu qua nhiều mô hình an toàn phòng cháy chữa cháy tại cụm doanh nghiệp, khu dân cư, tổ nhân dân tự quản...
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, thời gian qua, phong trào toàn dân Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ luôn được ngành chức năng quan tâm, tổ chức thực hiện gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy phương châm bốn tại chỗ, gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Qua đó, giúp cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở có những kỹ năng, thao tác sử dụng các phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; nâng cao tinh thần chủ động và khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời dập tắt đám cháy, nổ xảy ra do bất kỳ nguyên nhân nào, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, nhiều vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được lực lượng này phát hiện, phối hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ tham gia xử lý ngay từ ban đầu, ngăn chặn thiệt hại về người và tài sản.
Ông Chen Tung Cheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH M2 Global (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cho biết đặc thù của doanh nghiệp là chuyên sản xuất thiết bị y tế, có nhiều vật liệu dễ cháy. Vì vậy, nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Do đó, những buổi tập huấn dưới sự chỉ đạo, giám sát của lực lượng Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ rất ý nghĩa và thiết thực, giúp anh chị em công nhân ý thức được tầm quan trọng của cháy nổ, cũng như trang bị thêm kỹ năng cơ bản nhất nếu không may có sự cố.
Thượng tá Nguyễn Văn Tùng cho rằng trong công tác Phòng Cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính, huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" - 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm "Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân".
Bình luận (0)