Thị trường lao động Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng từ chuyển đổi số, làn sóng dịch chuyển đầu tư và sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này không chỉ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mà còn làm gia tăng khoảng cách thu nhập, cơ hội phát triển giữa các ngành nghề, khu vực và nhóm lao động.
Chênh lệch lớn
Theo báo cáo Hướng dẫn lương năm 2025 của Công ty TNHH Manpower Việt Nam, tình trạng phân hóa thu nhập giữa các ngành nghề ở nước ta ngày càng rõ rệt.
Cụ thể, mức lương của quản lý cấp cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng từ 8.000 - 15.000 USD/tháng, thuộc nhóm cao nhất. Trong khi đó, lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng chỉ đạt thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng, vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng cũng như mặt bằng khu vực.
Ngành logistics và chuỗi cung ứng ghi nhận tốc độ tăng lương mạnh (10% - 20%/năm), trong khi các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ chỉ tăng từ 3% - 7%. Ở khu vực lao động phổ thông, mức lương tại TP Hà Nội hiện khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng, còn với lao động có chuyên môn từ 10 triệu đến hơn 20 triệu đồng/tháng. Những con số này cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các lĩnh vực và trình độ tay nghề.
Tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2025 do Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức với chủ đề "Xây dựng tổ chức lớn mạnh thông qua tuân thủ, ứng phó rủi ro và phát triển bền vững", TS Nguyễn Hoàng Hà, chuyên gia Luật Lao động thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đánh giá Việt Nam hiện có lực lượng lao động dồi dào, chiếm 69% dân số từ 15 tuổi trở lên, với khoảng 500.000 người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Tuy nhiên, mức thu nhập hiện tại chưa thật sự cải thiện tương xứng.
Theo thống kê quý I/2025, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) đạt 8,3 triệu đồng/tháng. Dù vậy, mức lương tối thiểu hiện chưa bắt kịp tốc độ lạm phát, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 3,5% - 4,5%/năm thì lương tối thiểu chỉ tăng trung bình 3,3%/năm. "Sự chênh lệch này dẫn đến nhiều hệ lụy, cụ thể chỉ 61,6% NLĐ được tăng lương mỗi khi chính sách thay đổi; lao động trong ngành dệt may, sản xuất gặp khó khăn khi duy trì mức sống tối thiểu; tình trạng biến động lao động ngày càng gia tăng do thu nhập không đủ sống" - TS Hà phân tích.
Bên cạnh đó, tự động hóa và công nghệ đang thay đổi cấu trúc việc làm. Các ngành công nghệ, AI, logistics, sản xuất hiện đại, ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp - DN)… mở rộng nhu cầu tuyển dụng, trong khi các vị trí mang tính lặp lại như nhập liệu, chăm sóc khách hàng truyền thống, bán hàng hay phiên dịch dần bị thay thế.

Trước sự cạnh tranh nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp tìm cách điều chỉnh chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài
Hướng đến phát triển bền vững
Nghiên cứu mới từ Công ty CP Adecco Việt Nam với 87% người tham gia khảo sát có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc, đã chỉ ra 3 xu hướng chủ đạo đang định hình môi trường làm việc hiện đại - gồm chuyển đổi số, mô hình làm việc linh hoạt và ứng dụng AI thế hệ mới (GenAI).
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, chuyển đổi số vẫn là động lực then chốt giúp DN nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa quy trình. Mô hình làm việc linh hoạt, nhất là hình thức kết hợp và làm từ xa, ngày càng phổ biến ở các ngành công nghệ và dịch vụ, mang lại sự chủ động và cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.
Đáng chú ý, các công cụ GenAI như ChatGPT, Copilot hay Bard… đang được tích hợp ngày càng sâu vào công việc hằng ngày - từ sáng tạo nội dung, phân tích dữ liệu cho đến chăm sóc khách hàng. "AI không chỉ hỗ trợ nhân viên trong các tác vụ thường nhật mà còn đóng vai trò chiến lược, giúp quản lý và lãnh đạo ra quyết định chính xác và nhanh chóng hơn. Khảo sát cho thấy 65% NLĐ ghi nhận AI giúp tăng hiệu suất làm việc, trong khi 54% đánh giá đây là công nghệ mang tính chiến lược đối với tổ chức" - ông Chương nói.
Song, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế về thu nhập vẫn tiếp tục nới rộng. Trong năm 2024, có tới 65% NLĐ chỉ nhận mức tăng lương dưới 10%, trong khi chỉ 15% được tăng trên 20% - giảm mạnh so với 23% của năm trước. Mặc dù vậy, kỳ vọng vẫn cao khi 37% NLĐ mong muốn được tăng lương trên 20% trong năm 2025. Cùng với đó, xu hướng sẵn sàng thay đổi công việc cũng tăng nhanh - từ 37% vào năm 2023 lên 69% năm 2024 và dự kiến đạt 72% trong năm 2025.
Những yếu tố giữ chân NLĐ hiện tại cũng chính là các tiêu chí khiến họ cân nhắc chuyển việc, bao gồm chính sách lương - thưởng - phúc lợi, cơ hội phát triển, môi trường làm việc tích cực và khả năng cân bằng cuộc sống - công việc. Trong đó, thu nhập vẫn là yếu tố được NLĐ đặt lên hàng đầu.
Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, trước thực trạng phân tầng nhân lực và chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, DN buộc phải điều chỉnh chiến lược nhân sự. Không chỉ tập trung vào thu hút người giỏi, DN cần tạo ra môi trường làm việc đủ hấp dẫn để giữ chân và phát triển đội ngũ.
"Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao, một chiến lược nhân sự linh hoạt, công bằng và hướng đến phát triển bền vững chính là chìa khóa giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh" - bà Ngọc nói.
Nhiều người chuyển sang làm việc tự do, làm từ xa hoặc theo mô hình kết hợp. Những chuyển động này đòi hỏi NLĐ liên tục tái đào tạo, cập nhật kỹ năng để thích nghi với thị trường mới" - TS Nguyễn Hoàng Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)