Giá cát đắp nền đường tăng cao lại khan hiếm khiến nhiều công trình giao thông chậm tiến độ. Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đã và đang gấp rút tìm nguồn cung cấp cát để các công trình sớm hoàn thành.
Đau đầu tìm nguồn cung
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài gần 110 km, cần khoảng 18,5 triệu m3 cát. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long xác định nguồn cát bố trí cho dự án khoảng 16,5 triệu m3.
Đến nay, số lượng cát đã khai thác đưa về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ được 5,3 triệu m3, bao gồm cát thương mại. Đối với dự án này, nếu nhu cầu cần khai thác 45.000 m3/ngày thì công suất hiện nay chỉ đạt 20.000 m3.
Trong khi đó, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần tổng cộng khoảng 29 triệu m3 cát. Một số địa phương đã xác định nguồn cung 18,5 triệu m3 cát cho dự án này. Trong đó, các mỏ ở An Giang cung cấp 11,8 triệu m3, Sóc Trăng 6,6 triệu m3; còn thiếu khoảng 10,5 triệu m3 chưa tìm được nguồn. Các địa phương đang kiến nghị An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre hỗ trợ.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có khoảng 37,5 km đi qua địa phương này, nhu cầu sử dụng 7 triệu m3 cát. Song, thành phố mới cân đối được 2,3 triệu m3 cát từ các mỏ ở An Giang, số còn lại chưa tìm ra.
Việc thiếu nguồn cát đắp nền cũng xảy ra đối với dự án cầu Đại Ngãi - bắc qua sông Hậu, nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Một số hạng mục thi công của dự án chưa đáp ứng tiến độ do khan hiếm cát đắp nền tuyến chính và đường công vụ. Trong đó, cát cung cấp cho tuyến chính mới đạt 2%, đường công vụ là 30%.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, tình trạng khan hiếm cát làm nền đường khiến hàng loạt công trình giao thông lớn tại khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, cần được sớm giải quyết. Giá cát khi lập dự toán xấp xỉ 200.000 đồng/m3 nhưng nay đã lên đến khoảng 300.000 đồng. Ngoài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các dự án giao thông ở thành phố cần 2,1 triệu m3 cát nhưng nhà thầu mới thu xếp được 30%.
Rà soát mỏ cũ, tìm thêm mỏ mới
Hiện nay, với nguồn cát từ hoạt động nạo vét sông ngòi trong các dự án do địa phương quản lý, An Giang dự kiến có khoảng 2 triệu m3. Bến Tre có trữ lượng khoảng 10 triệu m3 cát từ dự án nạo vét sông Ba Lai. Các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do một số đơn vị thuộc Bộ GTVT thực hiện dự kiến cung cấp khoảng 27 triệu m3, song chưa được đánh giá chất lượng xem có bảo đảm sử dụng để đắp nền đường hay không.
Tuy nhiên, các dự án nêu trên đều chưa xác định thời điểm triển khai.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong trường hợp hoàn thành thủ tục 3 mỏ cát tại Vĩnh Long, 1 mỏ ở An Giang và nâng công suất 5 mỏ trên địa bàn Đồng Tháp để đưa tất cả vào khai thác trong tháng 5-2024, thì công suất khai thác bình quân từ 20.000 m3/ngày sẽ nâng lên 42.000 m3. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh này sớm hoàn tất việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tăng công suất cũng như rà soát những mỏ đang khai thác và khu vực mỏ mới để cấp đủ khối lượng cát còn thiếu cho dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị 2 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện thủ tục giao mỏ cát biển để sớm khai thác làm vật liệu xây dựng cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và các dự án giao thông nói chung. Trên cơ sở kết luận, đánh giá của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để triển khai thí điểm việc sử dụng cát biển làm nền đường tại khu vực phù hợp.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng giao địa phương này cung cấp 5 triệu m3 cát cho dự án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Thời gian qua, Vĩnh Long đã hướng dẫn nhà thầu lập thủ tục mở mỏ mới.
Những tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã ký xác nhận cho 2 nhà thầu khai thác 3 mỏ cát sông với tổng trữ lượng gần 2,5 triệu m3 và phân bổ 0,5 triệu m3 đối với 1 mỏ đang khai thác. Phần trữ lượng còn lại khoảng hơn 2 triệu m3, Vĩnh Long đã có chủ trương cho lập thủ tục khai thác 2 mỏ mới và gia hạn khai thác 3 mỏ để bảo đảm đủ 5 triệu m3 theo chỉ đạo.
Với Cần Thơ, để tìm nguồn cát còn thiếu, thành phố đã cử đoàn công tác đến Sóc Trăng làm việc và được lãnh đạo tỉnh này hứa cung cấp 5 triệu m3. "Số lượng này là dựa theo khảo sát trước đó. Vì vậy, UBND TP Cần Thơ đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng rà soát lại. Nếu trữ lượng cát còn đủ, Sóc Trăng cam kết giải quyết, cung cấp cho công trình tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng" - ông Dương Tấn Hiển thông tin.
Vận hành thiết bị tuyển rửa cát biển
Công ty CP Công nghệ Cát sạch Mekong cho biết vừa phối hợp với Công ty CP Cát sạch Miền Tây tổ chức vận hành thiết bị tuyển rửa cát biển nguyên khai để kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng thành phẩm.
Theo ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch Mekong, thiết bị có mô hình gọn, công suất 120 m3/giờ, dễ di chuyển. Cát biển được xử lý qua công nghệ tuyển rửa này được kỳ vọng cho ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn cát xây dựng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)