Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công Thương đang phối hợp Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính rà soát, yêu cầu thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng làm rõ việc dừng hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc giải thể, ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, về những hướng quản lý cụ thể để hoạt động TMĐT phát triển bền vững trong tương lai.
Phóng viên: Việc rà soát hoạt động của các sàn TMĐT có thường xuyên không, thưa ông?
- Ông HOÀNG NINH: Đây là công việc thường xuyên, liên tục.

Các sàn giao dịch TMĐT khi được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký phải là thương nhân hoặc tổ chức, có mã số thuế và có trụ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, theo thời gian, một số chủ sàn có thể chuyển nhượng website, thay đổi trụ sở kinh doanh hoặc ngừng cung cấp dịch vụ TMĐT nhưng không chỉnh sửa lại thông tin lưu giữ trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương. Vì vậy, việc kiểm tra giúp quản lý TMĐT một cách rõ ràng, minh bạch; đồng thời người tiêu dùng sẽ thuận lợi hơn trong mua hàng trên sàn TMĐT.
Trong vòng 30 ngày sau khi được yêu cầu giải trình, các website và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT không phản hồi sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Việc định danh người bán trên sàn TMĐT qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID) đang được triển khai ra sao?
- Hiện tại, các sàn giao dịch TMĐT thực hiện định danh và xác thực người bán bằng nhiều hình thức khác nhau, như qua email, điện thoại, Facebook, Zalo hoặc VNeID tùy theo mô hình hoạt động, vận hành của chính nền tảng đó.
Thực hiện Chỉ thị 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2023, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Công an tổ chức tọa đàm làm việc với các nền tảng TMĐT lớn nhằm khuyến khích các nền tảng này tiến hành định danh người bán qua VNeID.
Tới đây, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng Luật TMĐT, trong đó quy định về việc áp dụng định danh điện tử của người bán trên sàn TMĐT.

Mua bán online phát triển kéo theo việc sử dụng số lượng lớn túi ni-lông. Cần có một chính sách dài hạn thúc đẩy thương mại điện tử theo hướng thân thiện với môi trường. Ảnh: LÊ THÚY
Việt Nam lọt vào tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới với quy mô thị trường vượt mốc 25 tỉ USD vào năm 2024. Phát triển nhanh nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức, cơ quan quản lý cần làm gì để TMĐT phát triển bền vững?
- Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai các bước để đề xuất xây dựng dự án Luật về TMĐT, tập trung vào các nhóm chính sách trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về nền tảng số, nền tảng số trung gian trong TMĐT để thống nhất các khái niệm đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
Thứ hai, quy định cụ thể về các hình thức hoạt động TMĐT, TMĐT xuyên biên giới, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan.
Nhóm chính sách này sẽ quy định về quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình hoạt động TMĐT, trách nhiệm với người tiêu dùng và trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về báo cáo tình hình kinh doanh hay gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về TMĐT. Đây là bước tiến quan trọng để phát triển thị trường TMĐT minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Thứ ba, quy định về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT. Nhóm này dự kiến quy định cụ thể về trách nhiệm của các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ TMĐT nhằm tạo cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý, giám sát chặt chẽ cũng như kịp thời ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về TMĐT.
Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Nhóm quy định này hướng đến việc hoàn thiện các quy định về dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT, đặc biệt là dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Thứ năm, trong bối cảnh TMĐT đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, cần có những quy định cụ thể về những chính sách phát triển TMĐT bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo thống kê, năm 2023, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam sử dụng 1,84 tỉ gói hàng hóa, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306.000 tấn. Phát triển TMĐT không chỉ tập trung vào phát triển nhanh, đến lúc cần có một chính sách dài hạn thúc đẩy TMĐT theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững ở mọi quy trình. Nhóm quy định trên không chỉ tăng cường quản lý các mô hình hoạt động TMĐT mà còn hướng đến các mục tiêu phát triển TMĐT bền vững, theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế số xanh.
TS ĐÀO CẨM THỦY, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội:
Không để "chợ online" là bãi đáp của hàng giá rẻ
Theo thông tin từ tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới (luôn đạt 2 con số), đứng đầu Đông Nam Á. Điều này cho thấy thị trường TMĐT tại Việt Nam là "miếng bánh màu mỡ" nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Vừa qua, các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein… đã tận dụng những lỗ hổng về quy định pháp luật để vào thị trường Việt Nam. Họ áp dụng các chính sách ưu đãi sâu thu hút khách hàng và giành thị phần. Chỉ khi bị "tuýt còi", họ mới tiến hành đăng ký và sau đó buộc phải dừng hoạt động vì chưa đạt yêu cầu.
Chất lượng hàng hóa trên sàn TMĐT cũng cần được kiểm soát chặt chẽ khi nhiều người tiêu dùng phản ánh mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều người bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái có lượng theo dõi lớn trên các nền tảng.
Để TMĐT phát triển bền vững, tránh cho Việt Nam khỏi tương lai trở thành bãi đáp cho các mặt hàng kém chất lượng, nhà nước cần bổ sung nhiều chính sách quản lý quan trọng.
Cụ thể, cần quy định rõ ràng việc đăng ký kinh doanh với các sàn TMĐT của nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam để chống thất thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng. Cần nghiên cứu quy định mọi hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT đều phải đóng thuế, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn TMĐT; xử phạt nghiêm minh với các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều website giả mạo sàn TMĐT
Trong tháng 1-2025, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện 72 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng. Trong đó, 30 website giả mạo các sàn TMĐT, công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát TMĐT như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, TikTok Shop, Lazada, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm...
Từ đó, NCSC đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà soát, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình, cảnh báo sớm đến người dùng nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, bảo vệ chính thương hiệu của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Bình luận (0)