Chiều 14-10, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội thảo khoa học "Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045".
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cho biết tính đến tháng 9-2024, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Kết quả, tuyển sinh GDNN giai đoạn 2020 - 2023 là 8,4 triệu người, trong đó tuyển sinh cao đẳng là 760.000 người, trung cấp 1,1 triệu người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên được 6,5 triệu người.
Tuy đạt được những mục tiêu cụ thể nhưng theo đánh giá của TS Phạm Vũ Quốc Bình, GDNN vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức khiến công tác tuyển sinh, đào tạo còn hạn chế. Trong đó phải kể đến nhận thức của người dân về đào tạo nghề, GDNN chưa cao. Công tác phân luồng trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả khiến tỉ lệ học sinh tham gia học nghề còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và cả nâng chất giáo viên GDNN chưa được chú trọng.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2, khuyến nghị nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách, kênh tuyên truyền cho học sinh - sinh viên tham gia học nghề để bổ sung lực lượng được đào tạo nghề ngày càng lớn cho nền kinh tế. Nhà nước đặt hàng đào tạo cho các hệ đào tạo chất lượng cao hoặc có chính sách hỗ trợ học nghề như chính sách hỗ trợ hoặc vay tín dụng cho sinh viên tham gia học nghề chất lượng cao.
Đồng thời quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, thông qua việc đầu tư cho các cơ sở GDNN. Đặc biệt, theo ông Cường, nhà nước cần có chính sách ràng buộc để các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia công tác đào tạo nghề bởi họ chính là đối tượng thụ hưởng đội ngũ nhân lực chất lượng cao được các cơ sở GDNN đào tạo.
TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nhìn nhận nhân lực có tay nghề cao đang đóng góp ngày càng lớn cho thị trường lao động, giúp các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư. Song, việc nhà nước thay đổi chính sách về khung trình độ, tay nghề trong cơ sở y tế, giáo dục từ trung cấp lên cao đẳng làm người lao động phải đi học thêm cho đạt chuẩn trình độ. Điều này gây lãng phí nguồn lực rất lớn, cũng gây tổn thất cho các đơn vị đang có nhiều lao động trình độ thấp.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng phát triển nguồn nhân lực cần phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế và hội nhập, đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính thức sang lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tại TP HCM, dù tỉ lệ lao động qua đào tạo đã đạt hơn 87% nhưng vẫn không ngừng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ thống GDNN. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực…
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng khẳng định động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là lao động được đào tạo, nhất là lao động có kỹ năng nghề cao. Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi như hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng biến mọi mục tiêu của nước ta thành hiện thực.
Vì vậy, với những ý kiến đóng góp rất chất lượng tại hội thảo sẽ giúp cho bộ, các cơ quan liên quan có cái nhìn thực tế để đưa GDNN tiến lên tầm cao mới.
Bình luận (0)