Không thể tuyển được người tại TP HCM, thời gian qua, Công ty TNHH Sam Ho (huyện Củ Chi, TP HCM) đã phải đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ nhờ chính quyền địa phương kết nối giới thiệu lao động. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan và công ty đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
Doanh nghiệp lo lắng
Đại diện Công đoàn công ty cho biết đơn hàng doanh nghiệp (DN) đã dần hồi phục và đang cần tuyển khoảng 1.500 công nhân (CN). Để thu hút lao động, công ty đã chủ động tăng lương tối thiểu vùng sớm hơn thời điểm dự kiến do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất.
Theo đó, từ tháng 5-2024, lương của người lao động (NLĐ) sẽ tăng thêm 280.000 đồng/người. Hiện nay, mức lương cơ bản thấp nhất của CN mới đạt hơn 5.270.000 đồng/tháng (cao hơn 590.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu vùng Bộ LĐ-TB-XH đề xuất). Cùng với các khoản thưởng (thâm niên, chuyên cần, thu hút…), phụ cấp đi lại, nhà trọ, nuôi con nhỏ…thu nhập của NLĐ sẽ đạt từ 8-9,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, công ty còn có chính sách thưởng cho CN mới và người giới thiệu.
Để khuyến khích CN cũ quay trở lại làm việc, ngoài khoản thưởng thu hút từ 300.000 - 1 triệu đồng (tùy số tháng làm việc), đối với những người có tay nghề sẽ được giữ nguyên bậc lương như cũ. Chính sách đãi ngộ là vậy nhưng từ đầu năm đến nay, công ty chỉ tuyển được khoảng 300-400 người.
"Công ty khó tuyển lao động là do NLĐ mất việc, nghỉ việc thời gian qua đang trong giai đoạn hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và chờ hưởng BHXH một lần. Đây là cách NLĐ "né" chính sách khi nội dung sửa đổi Luật BHXH và Luật Việc làm có một số quy định gây bất lợi cho họ" - đại diện công ty cho biết. Ngoài việc tuyển không ra lao động, công ty đang đối diện nguy cơ "chảy máu" lao động khi khoảng 20% trong 6.000 lao động có số năm đóng BHXH trên 10 năm có thể xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần và TCTN.
Tương tự, dù tìm đủ mọi cách nhưng Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM) vẫn không tuyển đủ số lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Công ty đã khảo sát chế độ tiền lương, phúc lợi tại các DN khác để đối chiếu nhằm tìm ra nguyên nhân của việc không thu hút được lao động.
Kết quả thu được không hẳn đến từ phía DN mà là do NLĐ lo ngại sự thiếu ổn định của chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nếu vào công ty, NLĐ sẽ phải ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngay sau thời gian thử việc, đồng nghĩa với việc chấm dứt hưởng TCTN, không thể nhận BHXH một lần (nghỉ chưa đủ 12 tháng).
Không nên bó hẹp quyền lợi
Theo đại diện các DN, ngoài việc khó tuyển người, những đề xuất liên quan đến chế độ TCTN tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), khiến họ lại thêm vất vả trong việc giữ người.
Cụ thể, theo dự thảo, NLĐ chỉ được hưởng tối đa 12 tháng TCTN, không được bảo lưu thời gian đóng dư; NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) sẽ không được hưởng TCTN. Đề xuất này rất có thể tạo ra làn sóng nghỉ việc vì NLĐ cho rằng sẽ mất khoản tiền BHTN đã đóng nhưng chưa hưởng.
Đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), cho hay CN tại công ty rất hoang mang trước đề xuất này. Đa số trường hợp nghỉ việc là đơn phương từ phía NLĐ chứ chẳng ai muốn nghỉ việc mà ngồi chờ DN sa thải. Hơn nữa, việc khống chế mức hưởng tối đa 12 tháng cũng khiến NLĐ cảm thấy thiệt thòi quyền lợi khi đóng - hưởng không tương xứng.
Còn theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân), NLĐ có đóng góp vào quỹ, đang thất nghiệp, không vi phạm pháp luật nhưng không được hưởng TCTN là chưa hợp lý. Bà Hà lý giải trên thực tế có rất nhiều lý do khiến lao động đơn phương nghỉ việc, chẳng hạn cần thời gian chăm con, công việc không còn phù hợp hay vì điều kiện sức khỏe...
"Nếu NLĐ xin nghỉ việc và tuân thủ thời gian báo trước theo quy định của Bộ Luật Lao động thì được xác định là đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật. Thế thì vì lẽ gì lại không được hưởng quyền lợi?" - bà Hà đặt vấn đề.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhận định quy định NLĐ chỉ được hưởng tối đa 12 tháng TCTN, không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư có thể gây tình trạng nghỉ việc để nhận TCTN sau 12 năm đóng. Đồng thời, có thể dẫn tới rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và DN mất đi nhân sự lâu năm.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng, chưa hưởng TCTN lần nào, sẽ không phải tham gia BHTN. Phần BHTN đóng dư có thể chuyển sang chế độ khác của BHXH để tăng quyền lợi cho NLĐ khi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, nên xem xét bổ sung quyền lợi cho NLĐ đóng BHTN liên tục từ tháng 145 trở đi, chẳng hạn người đóng dư 12 tháng được hỗ trợ thêm 0,1 tháng TCTN. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị điều chỉnh mức hưởng TCTN từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN.
Bám víu vào đâu?
Liên quan đến đề xuất NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ không được hưởng TCTN, chị Thái Thị Yến Ngân, CN Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhựa Chợ Lớn (quận 8) cho rằng sẽ rất khó khăn cho NLĐ. Như trường hợp của vợ chồng chị đều sức khỏe yếu, chị bị thoát vị đĩa đệm nặng còn chồng bị thiếu kali máu. Trước đây, vợ chồng chị từng phải nghỉ việc để điều trị bệnh cả năm trời.
"Trong thời gian trị bệnh, không thể đi làm, chúng tôi chỉ biết bám víu vào TCTN. Đây là lợi ích thiết thực nhất mà chúng tôi được thụ hưởng khi tham gia BHTN, cũng thể hiện tính nhân văn của chính sách. Nếu theo đề xuất của dự thảo, những NLĐ rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi không còn được hưởng TCTN, họ biết bám vào đâu?"- chị Ngân lo lắng.
Bình luận (0)