Gần đây, vì muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội (MXH), nhiều lao động trẻ không chịu tìm việc làm hoặc từ bỏ công việc hiện có. Nhiều người đã chi cả trăm triệu đồng để học cách xây dựng kênh MXH.
Nhanh chóng vỡ mộng
Giữa năm 2024, khi đang làm nhân viên hành chính cho một doanh nghiệp tại quận Phú Nhuận, TP HCM, chị Vũ Thị Huyền (quê Long An) chi 12 triệu đồng để theo học khóa xây dựng kênh TikTok. Sau 18 buổi học, chị quyết định nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian phát triển kênh nhằm trở thành KOL (người có ảnh hưởng trên MXH) về mỹ phẩm thiên nhiên.
Theo chỉ dẫn của đơn vị tổ chức khóa học, Huyền đã bỏ ra hơn 70 triệu đồng mua sắm máy quay phim, đèn chiếu sáng, máy tính; sửa lại căn phòng trọ... để thực hiện ước mơ. Chị thuê 1 nhân viên quay dựng video để mỗi ngày cho ra những clip đẹp, ấn tượng về cách chăm sóc da.
Sau khi làm được khoảng 2 tháng, với hơn 70 video đăng tải trên các nền tảng TikTok, Facebook thu về lượng tương tác không như mong đợi, Huyền không khỏi lo lắng. Khi đặt vấn đề với người dạy xây dựng kênh, chị được giới thiệu theo học một khóa nâng cao ưu đãi - giảm 50% cho học viên cũ, với học phí 15 triệu đồng/tuần. Kết quả vẫn không như chị kỳ vọng. Tiêu hết tiền tiết kiệm, áp lực chi phí khiến chị quay lại tìm việc làm, từ bỏ giấc mộng nổi tiếng.

Các khóa đào tạo xây dựng kênh mạng xã hội thường thu hút nhiều người theo học
"Các học viên cùng học với tôi không ai thành công trong việc xây dựng kênh hay trở nên nổi tiếng. Học viên bỏ ra khá nhiều tiền nhưng người ta chỉ dạy lý thuyết, đi vào thực tế không hề đơn giản" - chị Huyền nhận xét.
Làm việc ở một công ty truyền thông với mức lương khá tốt, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (quê Cà Mau) cũng quyết định bỏ việc để xây dựng kênh TikTok. Chị cho biết công việc ở công ty khá nhàm chán khi mỗi ngày ngồi ở văn phòng 8 giờ, rất gò bó. "Lúc đó, tôi nghĩ mình có ngoại hình - là thế mạnh để sáng tạo nội dung số. Thu nhập ở công ty cũng khá nhưng tôi lại mong muốn làm một công việc tự do, có thu nhập cao và nổi tiếng" - chị nhớ lại.
Mai đã đầu tư khá nhiều tiền cho phòng quay video, mua sản phẩm về "review" (nhận xét, đánh giá), quảng cáo để video được lan tỏa trên các nền tảng. Song, mỗi video chỉ được vài trăm lượt xem. Sau hơn 1 năm nỗ lực trở thành "idol" (thần tượng) MXH không thành, chị đã đi xin việc trở lại.
Nên xem là việc làm thêm
Theo ông Đang Nguyễn, giám đốc một công ty truyền thông số - chuyên xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp tại TP HCM, người lao động (NLĐ) không nên xem làm TikTok hay YouTube là một nghề để rời bỏ công việc đang ổn định.
Hiện tại, ngày càng có nhiều người tham gia xây dựng kênh trên TikTok. Nền tảng này không trả tiền cho lượt xem mà khách hàng là người trả. "Khách hàng ngày càng đòi hỏi người làm MXH phải có video chất lượng, người xem cũng kiểm chứng nội dung kỹ hơn… Điều đó gây khó khăn cho người sáng tạo nội dung hay xây dựng kênh trên các nền tảng MXH" - ông Đang Nguyễn nhìn nhận.
Ông Đang Nguyễn cho rằng lao động trẻ khi quyết định bỏ công việc ổn định hiện có để xây dựng kênh MXH cần suy nghĩ kỹ được và mất gì. Nếu đã có nghề nghiệp ổn định, NLĐ nên dùng việc xây dựng kênh MXH để hỗ trợ công việc. Việc này sẽ hiệu quả hơn khi có 2 nguồn thu nhập.
Chị Lê Nguyện Nhi, chủ kênh "Nhi nấu...", đánh giá việc xây dựng kênh MXH khá dễ, phát triển kênh mới khó. Phát triển kênh rất gian nan, đòi hỏi phải đầu tư, chịu khó và nhẫn nại. Việc làm sao để không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng MXH đã khó, thu hút người xem còn khó hơn. Nhiều video đầu tư chất lượng nhưng lượt xem chỉ lác đác, trong khi không ít video "tào lao" lại thu hút cả triệu view.
Chị Nhi cho rằng nên xem việc thực hiện TikTok hay YouTube là làm thêm. NLĐ cần giữ công việc ổn định và xây dựng kênh MXH để đưa công việc ấy lên tầm cao, thu hút người theo dõi rồi tìm cách thương mại kênh.
"Đừng vội bỏ việc mà mộng tưởng về sự hào nhoáng mà MXH mang lại. Sự nổi tiếng nào cũng phải trả giá. Hơn nữa, nếu nổi tiếng thì cũng phụ thuộc vào nền tảng MXH của nước ngoài. Nếu nền tảng đó gặp sự cố hay không còn hoạt động thì chúng ta cũng mất hết" - chị Nhi phân tích.
Theo bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số Flamingo, lao động trẻ cần tỉnh táo đánh giá những rủi ro, đánh đổi khi theo đuổi công việc sáng tạo nội dung trên MXH. Nếu thật sự nghiêm túc muốn phát triển kênh MXH, NLĐ nên đợi khi nào kênh có thu nhập đều đặn, duy trì trên 1 năm thì hãy từ bỏ công việc chính.
Phải tuân thủ pháp luật
Một lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM cho biết số chủ kênh TikTok, YouTube, Facebook bị xử phạt gia tăng trong thời gian gần đây. Các cá nhân bị xử phạt đa phần vi phạm quy định về việc phát ngôn lệch chuẩn; vi phạm chủ quyền quốc gia; lan truyền thông tin không chính xác, tin giả, thậm chí là tin độc hại; xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ chưa được phép lưu hành...
Vì vậy, người sử dụng MXH cần phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật, đừng bất chấp tất cả chỉ để nổi tiếng, hậu quả sẽ khó lường.
Bình luận (0)