Liên quan đến việc mở rộng nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong dự thảo báo cáo các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định tại kỳ họp Quốc hội trước, có ý kiến đề nghị cần có quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức lao động mới như lái xe công nghệ (Grab, Gojek, Be…), hoặc lao động tự do trên môi trường mạng… Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất nhóm giáo viên của các nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân… cũng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Khi biết mình là đối tượng được đề xuất tham gia BHXH bắt buộc, chị Nguyễn Thị Lan Chi (39 tuổi), chuyên buôn bán đặc sản miền Tây trên mạng khá bất ngờ. Chị Chi trước đây là công nhân Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) nhưng bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Thất nghiệp, chị Chi chuyển sang bán các đặc sản miền Tây như trái cây, lạp xưởng, chả lụa… trên mạng. Chồng chị làm thợ hồ, việc làm khi có khi không. Anh chị đang ở nhà thuê, nuôi 2 con nhỏ đang ăn học.
"Thu nhập từ việc kinh doanh qua mạng rất bấp bênh. Nếu cả 2 vợ chồng tôi đều thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì thật khó cho chúng tôi. Nhưng nếu việc kinh doanh tốt, thu nhập ổn định, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này" - chị Chi nói.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng việc đưa đối tượng tài xế công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý.
Theo ông Lưu, việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.
Ông Lưu dẫn chứng theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, nhóm đối tượng này về bản chất tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc với đối tác và được trả lương. Trong đó, hai bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc và có sự điều hành giám sát qua thông qua app do doanh nghiệp quản lý.
Còn Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước) bày tỏ BHXH là một trong những chính sách an sinh, do đó, việc tham gia BHXH, xét về mặt lợi ích xã hội lâu dài là cần thiết. Song khi xác định các đối tượng thuộc trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc cần phải đánh giá thêm về tác động đến cuộc sống người lao động và tính khả thi. Thu nhập của người lao động nhìn chung tại Việt Nam còn khá thấp thì việc buộc phải tham gia BHXH, trước mắt sẽ gây thêm nhiều áp lực cho họ.
Theo Luật sư Nam, chỉ nên đưa vào diện BHXH bắt buộc đối với người lao động có ký kết hợp đồng lao động hoặc những trường hợp hoạt động chuyên trách mà có xác định được nguồn thu nhập của họ thì mới có cơ sở để thu. Đối với các đối tượng làm nghề tự do, không cố định như kinh doanh tự do, buôn bán hàng qua mạng… rất khó có thể buộc họ tham gia BHXH được do không thể nào xác định được nguồn thu nhập của họ.
"Giả sử tháng nào họ có thu nhập thì buộc họ tham gia còn có thể chấp nhận nhưng tháng nào họ thất thu hoặc thậm chí thua lỗ mà vẫn buộc họ phải đóng bảo hiểm thì sẽ khó thuyết phục và tạo thêm gánh nặng cho người lao động"- Luật sư Nam nói. Còn nếu buộc những thành phần này tham gia BHXH như vậy thì ai sẽ là người đóng bởi họ là lao động tự do, không xác định được người sử dụng lao động. Do đó, chỉ nên khuyến khích họ tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ phù hợp hơn.
Bình luận (0)