Đây là một câu hỏi đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang bàn cãi về cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động (NLĐ) và tăng năng suất lao động.
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy hiện hầu hết các quốc gia đã áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần, thậm chí dưới 40 giờ. Khảo sát 154 nước thì chỉ 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam, khoảng 2/3 các nước là 48 giờ trở xuống.
Theo ILO, làm việc quá giờ, không đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ và tăng rủi ro tai nạn khi làm việc. Giảm giờ làm giúp NLĐ có thời gian chăm sóc sức khỏe, gia đình, học tập nâng cao kỹ năng. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy: giảm giờ làm, nghỉ ngơi hợp lý giúp NLĐ tăng hiệu quả công việc.
Doanh nghiệp (DN) có chế độ làm việc hợp lý cùng với chế độ tốt cũng sẽ thu hút lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng nếu giảm giờ làm nhưng vẫn trả đủ lương sẽ làm tăng chi phí sản xuất, gây áp lực cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Nếu giảm giờ làm mà tính lương theo giờ, NLĐ sẽ bị giảm thu nhập, điều này mâu thuẫn với mục tiêu nâng cao đời sống của họ.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam không thể cạnh tranh bằng cách duy trì giờ làm dài, lương thấp, mà cần chuyển sang mô hình phát triển dựa trên năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, sáng tạo và công nghệ. Giảm giờ làm khu vực tư nhân chỉ khả thi và bền vững nếu đi kèm với cải cách toàn diện về năng suất, chính sách lương, hỗ trợ DN và nâng chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước, DN và tổ chức Công đoàn. Nhà nước cần khuyến khích DN ứng dụng tự động hóa, phần mềm quản lý… để giảm phụ thuộc vào lao động giản đơn; chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ, nhất là trong các ngành sản xuất, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tính toán phương án tăng lương theo năng suất và mức sống tối thiểu, để dù giảm giờ làm, thu nhập của NLĐ vẫn không bị ảnh hưởng; xây dựng lộ trình giảm giờ làm có kiểm soát. Về phía DN, cần tổ chức lại quy trình sản xuất để giảm thời gian "chết", tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất lao động cho NLĐ.
Một mối quan hệ lao động bền vững phải dựa trên sự công bằng giữa quyền và trách nhiệm. NLĐ cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình - không chỉ là người hưởng quyền lợi mà còn là chủ thể đóng góp. Ngoài xây dựng tác phong công nghiệp, NLĐ cần nâng cao ý thức tự học, rèn luyện để thích ứng với yêu cầu công việc hiện đại; chủ động học hỏi để làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và tự động hóa ngày càng phổ biến.
Tổ chức Công đoàn cần chủ động đối thoại với người sử dụng lao động trong việc tính toán giảm giờ làm, tăng năng suất lao động và bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Trước khi đàm phán cần khảo sát năng suất lao động, tình trạng sức khỏe và cả nguyện vọng của NLĐ tại DN. Cơ quan quản lý lao động tăng cường thanh tra, giám sát nhằm ngăn chặn việc DN "lách luật", như ép NLĐ làm thêm không lương.
Bình luận (0)