xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảm áp lực tài chính cho lao động trẻ

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Lao động trẻ cần tìm cách cải thiện thu nhập bằng cách nắm bắt những cơ hội mới cũng như rèn giũa thêm kỹ năng, kiến thức

Khảo sát mới đây của Anphabe (quận 1, TP HCM) cho thấy năm 2024, chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt Nam xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Tính đến hết quý III, chỉ 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực; 74% cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ trang trải cuộc sống, trong đó nhóm lao động trẻ (LĐT) chiếm tỉ lệ cao nhất.

Chi tiêu vô tội vạ

Cao Thị Mỹ Linh - 25 tuổi, nhân viên (NV) văn phòng tại TP HCM - đã không ít lần rơi vào tình thế phải vay mượn bạn bè, gia đình để thanh toán các khoản chi. Linh thừa nhận nghiện mua sắm, thói quen này chiếm khoảng 6 - 8 giờ mỗi ngày để xem và mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. 

Có những đợt sale, Linh đã chốt hơn 20 đơn chỉ trong ngày. "Sức hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi khiến tôi không cầm lòng được và đặt mua bạt mạng. Có những sản phẩm mua về tôi rất ít khi dùng đến" - Linh thừa nhận.

Còn Lê Minh Hoàng - 24 tuổi, NV công nghệ thông tin tại một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở quận 5, TP HCM - cũng thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy túi" . Bên cạnh thời trang, Hoàng còn nghiện các thiết bị điện tử và du lịch "chữa lành". Dù mức lương khá nhưng Hoàng vẫn thường xuyên quẹt thẻ tín dụng mua trước trả sau. Lâu dần trở thành thói quen, khiến Hoàng rơi vào vòng xoáy có tiền - tiêu nhanh - hết tiền lại rơi vào căng thẳng.

Theo Anphabe, có 35% NV sống dựa vào lương, 65% tìm kiếm từ nguồn tài chính khác như: việc làm thêm, bán buôn, trợ cấp từ gia đình, đầu tư vào cổ phiếu, tiền số... Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam (quận 1), cho rằng các lý do khiến NV luôn cảm thấy "lương không đủ sống" là chưa có tích lũy, giá cả tăng nhanh, chi trả cho các khoản thuê nhà... Theo khảo sát của Intage, có đến 65% người lao động (NLĐ) tin rằng lương được trả không công bằng; thu nhập họ nhận được thấp hơn năng lực bản thân.

Trong khi đó, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng của Anphabe, đánh giá NV không nhận ra chính lối sống đề cao chủ nghĩa tiêu dùng mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Ví dụ, một NV lương mỗi tháng 15 triệu đồng nhưng luôn trong tâm trạng chờ lương. Mỗi khi có lương, họ mua sắm bạt mạng, hết tiền thì rơi vào căng thẳng. Bởi họ nghĩ rằng "sống "phông bạt" không khó, đã có tín dụng lo" - bà Thanh Nguyễn nói.

Giảm áp lực tài chính cho lao động trẻ- Ảnh 1.

Lao động trẻ cần có kỹ năng quản lý tài chính để không rơi vào trạng thái khủng hoảng

Nắm bắt cơ hội để phát triển

Theo bà Lưu Bảo Vân, để giữ chân nhân sự, DN phải thấu hiểu những khó khăn mà NV đang đối mặt, hỗ trợ giải quyết nỗi lo tài chính. Cụ thể, DN cải thiện chỉ số hạnh phúc của NV, bao gồm tăng cường phúc lợi như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn; tổ chức kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát thay vì kiểm tra định kỳ; hỗ trợ bảo hiểm mở rộng cho cả gia đình của họ.

Đồng thời, DN có thể hỗ trợ NLĐ tiếp cận các nguồn vay vốn để trang trải những khoản chi phí lớn, tăng lương, bảo đảm công bằng về đãi ngộ, cung cấp các hỗ trợ về giáo dục. Ngoài ra, cần có những phần thưởng linh hoạt như tặng thẻ gym, thêm ngày nghỉ phép, quỹ lương hưu...

Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận các khóa đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến về kiến thức tài chính để giúp họ tăng khả năng đưa ra chiến lược tài chính hiện tại và tương lai. Bà Lê Kim Thùy Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông và Đào tạo Phượng Hoàng Linh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng DN đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ LĐT quản lý tài chính.

Bởi vì điều này không chỉ giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần tăng năng suất và sự gắn bó với công việc. "Do đó, DN cần tổ chức các buổi workshop về quản lý ngân sách, tiết kiệm và đầu tư. Những nội dung này giúp NLĐ hiểu cách lập kế hoạch tài chính và chi tiêu hiệu quả. Các phúc lợi như bữa ăn, hỗ trợ chi phí đi lại hay các voucher giảm giá dịch vụ thiết yếu cũng giúp LĐT giảm áp lực tài chính" - bà Linh đề xuất.

Còn bà Trần Thị Quế An, Giám đốc chuỗi cung ứng kiêm quản lý chất lượng Công ty CP Maycha (quận 3, TP HCM), khuyên LĐT nên tìm cách cải thiện thu nhập bằng cách nắm bắt những cơ hội mới. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị tốt nhất về kỹ năng, trau dồi kiến thức. "Để làm điều đó, LĐT không nên ngại khi bước vào vùng khó để khám phá và phát triển bản thân. Trong thời đại ngày nay, một NLĐ phải làm "nhiều vai" mới có thu nhập tốt" - bà An nhấn mạnh. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo