Nhiều doanh nghiệp (DN) khi tuyển dụng lao động, yêu cầu phải có kinh nghiệm, song điều này rất khó với sinh viên (SV) mới ra trường. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Võ Minh Tân, nguyên Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (TP Hà Nội), về vấn đề này.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về lao động trẻ (LĐT) hiện nay?
- Ông VÕ MINH TÂN: LĐT được sinh ra trong thời kỳ công nghệ và internet bùng nổ nên họ rất năng động và sáng tạo. Do đó, họ được xem là nguồn lực tri thức trong giai đại hiện nay và được các DN săn đón. Đây là thế hệ lao động hội đủ tố chất, kỹ năng cống hiến vì sự phát triển của DN nói riêng và lợi ích kinh tế của quốc gia nói chung.
Tuy nhiên, theo tôi, LĐT cần có định hướng nghề nghiệp đúng đắn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các DN. Nói cách khác, họ phải tự đặt ra kế hoạch cho bản thân khi bước vào thị trường lao động.
* SV cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của DN?
- Các hoạt động như thực tập tốt nghiệp, tham gia dự án và hoạt động ngoại khóa, làm tự do và công việc bán thời gian, xây dựng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm tại các DN... là những phương pháp hữu hiệu để tăng cường kinh nghiệm và cơ hội được tuyển dụng.
Trong đó, thực tập tại DN chính là cơ hội lớn cho SV trước khi gia nhập thị trường lao động. Dù thời gian chỉ 3 - 6 tháng nhưng nếu biết tận dụng tốt, cũng là giải pháp để giúp họ chinh phục nhà tuyển dụng. DN luôn sẵn sàng nhận SV thực tập ở lại làm việc nếu thấy họ có chí cầu tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Một tiêu chí luôn được DN áp dụng khi tìm kiếm ứng viên, dù là SV mới tốt nghiệp hay đã có kinh nghiệm là "thái độ hơn trình độ". Vì vậy, ý thức trách nhiệm và giải quyết vấn đề linh hoạt là những yếu tố rất quan trọng.
* Cách nào để LĐT gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?
- Ngoài ngoại hình, tính cách, trang phục, lời nói, học vấn, chuyên môn..., thương hiệu cá nhân còn được xây dựng trên những gì làm và đạt được như: giải thưởng, dự án, chương trình, hoạt động đã từng tham gia tại trường, DN tổ chức. Đây là các yếu tố giúp ứng viên được DN săn đón. Việc định hình thương hiệu là mục tiêu quan trọng cho mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, LĐT cũng cần xây dựng các mục tiêu để có được hồ sơ năng lực, mạng lưới mối quan hệ, khả năng kết nối với những điều tích cực xung quanh sẽ là trợ thủ đắc lực, để xây dựng thương hiệu cá nhân tốt cho công việc tương lai. Tuy nhiên, LĐT cũng không nên quá áp lực vì phần đông người đi làm, DN đều phải xây dựng thương hiệu cá nhân với quỹ thời gian và khả năng như nhau.
Bình luận (0)