Ngày 7-3, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ đã diễn ra tại Bình Định.
Hơn 1.200 học sinh từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh, gồm: Chuyên Lê Quý Đôn, Quốc học Quy Nhơn, Trưng Vương, Trần Cao Vân, Hùng Vương, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn… đã đến lấp kín các ghế ngồi tại Hội trường Nhà Văn hóa tỉnh Bình Định.
Chọn ngành mình thích hay ngành xã hội cần?
Do đây là chương trình Đưa trường học đến thí sinh đầu tiên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố quy chế tuyển sinh 2015 với hàng loạt đổi mới, ngay từ những phút đầu, thí sinh (TS) đặt ra nhiều câu hỏi đáng lưu ý. Nổi bật là thắc mắc của TS về cách thức nộp phiếu xét tuyển nguyện vọng bổ sung và mối lo ngại tình trạng TS ảo.
Trả lời vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết chỉ TS thi cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì mới được cấp 4 phiếu báo kết quả, trong đó chỉ 1 phiếu dùng để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Hồ sơ xét tuyển gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản chính, có đóng dấu đỏ) và phiếu đăng ký xét tuyển. Ở phiếu số 1, các em đăng ký 4 ngành cùng trường. Nếu rớt 4 ngành này, các em tiếp tục dùng số phiếu còn lại đăng ký các nguyện vọng bổ sung.
“Chắc chắn lượng TS ảo sẽ lớn nhưng Bộ GD-ĐT chấp nhận vì quyền lợi của TS” - tiến sĩ Nghĩa nói.
Bên cạnh thắc mắc về quy chế, nhiều học sinh thổ lộ đang mất phương hướng vì chưa tìm được ngành, nghề thích hợp. Bạn Dương Thị Thu Quỳnh (lớp 12 chuyên sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) hỏi: “Hiện trạng ra trường thất nghiệp hiện nay khiến nhiều TS khi chọn trường buộc phải tập trung trả lời câu hỏi: Xã hội cần gì chứ không phải mình thích gì? Em nên chọn ngành theo đam mê hay thực tế?”.
Trước câu hỏi được đánh giá “hay và ý nghĩa” này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng thị trường lao động là vấn đề rất quan trọng sau khi ra trường. Tuy nhiên, trước hết, TS nên làm bài trắc nghiệm khám phá bản thân để biết mình là ai, thích nghề gì, nên học ngành nào, trường nào. “Trả lời các câu hỏi này, các bạn sẽ chọn được cho mình ngành học phù hợp nhất chứ không phải ngành mình thích” - tiến sĩ Lý tư vấn.
Bổ sung phần trả lời câu hỏi về hướng nghiệp, ThS Nguyễn Chí Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Hoa Sen và PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Phó trưởng Khoa Đào tạo Chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhấn mạnh ngoài chuyên môn, để có công việc tốt, kỹ năng mềm là yếu tố các em phải đặc biệt chú ý khi ra trường.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Trần Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho rằng tuy trường tạo điều kiện hết sức để sinh viên có điều kiện tiếp xúc doanh nghiệp nhưng việc nắm giữ cơ hội phụ thuộc phần lớn vào các em.
Thí sinh Quảng Ngãi, Bình Định thi tại Trường ĐH Quy Nhơn
Đó là thông tin do tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, đưa ra trong buổi tư vấn. Tiến sĩ Lê Xuân Vinh cho biết hiện chưa có thông báo chính thức từ Bộ GD-ĐT nhưng theo dự kiến, Trường ĐH Quy Nhơn sẽ chủ trì cụm thi gồm các TS ở Bình Định, Quảng Ngãi. TS thi tốt nghiệp THPT nhằm xét tuyển vào ĐH-CĐ đều thi tại Trường ĐH Quy Nhơn. Tiến sĩ Lê Xuân Vinh cho biết nhiều năm qua, trường đã tổ chức thi kỳ thi 3 chung, có năm cao nhất lên đến 47.000 TS tham dự.
Bên cạnh mối quan tâm về cụm thi Quy Nhơn, rất nhiều TS quan tâm đặt câu hỏi cho các trường ĐH, CĐ của tỉnh. Em Ngô Bảo Anh Thư, học sinh Trường THPT Quy Nhơn, hỏi Trường ĐH Quy Nhơn có quy chế tuyển sinh riêng không? Tiến sĩ Lê Xuân Vinh trả lời năm nay, trường tuyển sinh 4.800 chỉ tiêu theo 4 nhóm ngành: Sư phạm, kinh tế - kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Trường lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm xét tuyển theo ngành, không sơ tuyển học bạ.
Một học sinh thắc mắc Trường CĐ Sư phạm Bình Định có miễn học phí không? ThS Trần Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bình Định, cho hay trường có chế độ học phí, miễn giảm theo quy định của nhà nước, miễn học phí đối với sinh viên các ngành sư phạm.
Trong khi đó, em Trần Minh Tân (lớp 12A8 Trường THPT Quy Nhơn) hỏi điều kiện để thi Trường CĐ Y tế Bình Định. ThS Trần Văn Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Y tế Bình Định, hóm hỉnh cho biết: “Để vào Trường CĐ Bình Định rất dễ”. Năm nay, trường tuyển 500 chỉ tiêu, 250 chỉ tiêu cho ngành dược và 250 cho ngành điều dưỡng. Điều kiện xét tuyển: TS tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia với các tổ hợp môn toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định:
Hỏi thật, trả lời sát
Đây là năm đầu tiên Báo Người Lao Động tổ chức chương trình Đưa trường học đến thí sinh tại tỉnh. Chương trình mang đến những thông tin thiết thực, bổ ích cho TS, giúp các em có những thông tin chính xác về kỳ thi quốc gia, thông tin tuyển sinh các trường.
Chương trình Đưa trường học đến thí sinh không có những câu hỏi được đặt sẵn mà để học sinh hỏi trực tiếp. Ban tư vấn cũng trả lời rất sát, đi thẳng vào vấn đề. Qua chương trình này, tôi nghĩ học sinh đã có câu trả lời cho mình về việc chọn ngành, chọn trường.
Sở GD-ĐT Bình Định đã chỉ đạo các trường THPT tăng cường tổ chức ôn cho học sinh để các em có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi.
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)