"Khóc giữa trời xanh" là tác phẩm được nhà viết kịch Lê Chí Trung cảm tác dựa trên cuộc đời của Thái sư Lê Văn Thịnh. Vào thời nhà Lý, Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam và được xem là trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng. Ông được phong làm Thái sư, cùng với Lý Thường Kiệt giúp vua Lý Nhân Tông xây dựng đất nước. Song, vì gian thần hãm hại mà ông chịu nhiều nỗi oan khuất.
Đầu năm 2021, nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng quyết định đầu tư cho kịch bản này trong vai trò sản xuất, thiết kế phục trang. Và chính anh đảm nhiệm vai chính - Thái sư Lê Văn.
Mong mỏi lớn nhất của Sĩ Hoàng là góp phần giúp những người trẻ có thêm cơ hội tìm hiểu lịch sử nước nhà. Vì vậy, anh quyết tâm đưa "Khóc giữa trời xanh" đến giới trẻ ngay tại những sân khấu lớn như Nhà hát TP HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Bởi theo anh, trong không gian nghệ thuật thật đẹp, thật chuyên nghiệp đó, khán giả mới cảm nhận trọn vẹn cái hồn của tác phẩm.
Nhiều khán giả trẻ giao lưu với diễn viên khi vở kịch kết thúc
Trong đêm công diễn 25-2 vừa qua, ngoài những khán giả lớn tuổi và các học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM, trong khán phòng còn có rất nhiều bạn trẻ đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những thành viên của lớp dạy vẽ mỹ thuật Red Art do anh Phạm Ngọc Viễn Thành phụ trách.
Anh Viễn Thành cho biết: "Đây là cơ hội tốt để các em trong lớp tiếp cận với các khía cạnh của bộ môn nghệ thuật này, chẳng hạn như thiết kế sân khấu, bố cục, đạo cụ, phục trang; từ đó các em có thêm nhiều kiến thức thực tế để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Bên cạnh đó, tôi hoàn toàn đồng ý với hướng đi của anh Sĩ Hoàng khi mong muốn đưa lịch sử đến gần với lớp trẻ theo một cách dễ hình dung và hấp dẫn hơn".
Theo tiết lộ của anh Sĩ Hoàng, đã có khá nhiều trường THPT trên địa bàn TP HCM liên hệ với anh để tổ chức cho các em được xem vở kịch này như là một buổi học ngoại khóa trước kỳ thi học kỳ II. Anh hy vọng vở diễn này được lan tỏa, để các em yêu môn sử sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của lịch sử nước nhà, của nền văn học Việt Nam thông qua những lời thoại được viết một cách rất nghiêm túc, chỉn chu. "Tôi và ê-kíp có một mục đích duy nhất là diễn những vở chính kịch của lịch sử Việt Nam, có thể ngoài chính sử nhưng phải mang giá trị giáo dục, để các em có thêm hiểu biết, mở mang tầm nhìn và nuôi dưỡng cảm xúc" - anh Sĩ Hoàng bày tỏ.
Về ý nghĩa của việc học lịch sử qua sân khấu kịch, NSND Ngọc Giàu cho rằng tác phẩm kịch lịch sử mang lại nhiều điều bổ ích cho người xem, nhất là với các em sinh viên và học sinh THPT. "Tôi hy vọng rằng đây cũng là một sự gợi mở, một hướng đi mới để các em không thụ động khi học lịch sử mà các em sẽ tư duy, đối chiếu và phân tích sâu hơn. Bản thân tôi sẵn sàng đồng hành với nghệ sĩ trong những dự án tốt cho hoạt động nghệ thuật và có ích cho công chúng, trong đó có những người trẻ" - NSND Ngọc Giàu chia sẻ.
Bình luận (0)