Các khách mời trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bất động sản
Ngày 12-8, Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Nguồn nhân lực BĐS Việt Nam 2023 - 2024".
Ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc vận hành Tập đoàn BĐS An Gia, cho biết ngành BĐS ngày càng phát triển, nhu cầu sở hữu BĐS của người dân ngày càng nhiều.
Trong khi đó, nhân lực trong ngành BĐS đang được đào tạo một cách tự phát, không bài bản, đa phần là nghề truyền nghề. Điều này đặt ra yêu cầu làm sao có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp?
Ông Thanh đánh giá nguồn nhân lực hiện tại mới đáp ứng khoảng 30%-40% nhu cầu của doanh nghiệp. Không những thế, nhân sự còn thiếu kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, không am hiểu sản phẩm.
"Có nhiều nhân sự tâng bốc sản phẩm quá nhiều; khách hàng trải nghiệm thấy không đúng như giới thiệu nên phát sinh mâu thuẫn, kiện cáo" - ông Thanh nêu thực tế.
Khách mời trao đổi về giải pháp phát triển nguồn nhân lực BĐS
TS Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định không riêng ngành BĐS mà các ngành khác đều thiếu nguồn nhân lực. Theo ông, ở từng ngành, từng trình độ phải có kế hoạch đào tạo bài bản, có tâm.
Bà Mai Thị Hồng Quyên, Giám đốc kinh doanh Sunproperty khu vực miền Nam, cho rằng ngành BĐS đào thải rất nhanh, phần lớn nhân lực vào ngành thì dễ nhưng trụ được với nghề thì khó. Nguyên nhân là do chưa có cái nhìn nghiêm túc đối với nghề.
TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu thực tế ở lĩnh vực đào tạo nhân lực BĐS, các trường ĐH đang phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, trong khi sinh viên ngành BĐS phải mất 3-4 năm học thì việc cấp chứng chỉ hành nghề lại quá dễ dãi .
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đồng tình với nhận định nguồn nhân lực BĐS hiện nay chủ yếu là "tay ngang", không được đào tạo bài bản.
Về giải pháp, PGS-TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn Nhân lực, góp ý cần có bản đồ nhân lực làm việc trong lĩnh vực BĐS để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo. Đề cập việc hướng nghiệp và phân luồng sau cấp THCS, bà Ngọc cho rằng trách nhiệm không chỉ của thầy cô giáo mà còn của các cơ quan, tổ chức nghề nghiệp để truyền cảm hứng cho học sinh.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS, đề nghị việc đào tạo nhân lực BĐS cần bao gồm cả lý thuyết và "thực chiến". Về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, ông Lập đề nghị có khung chương trình chung và quy định về kiểm định.
Bình luận (0)