Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại sau khi thực hiện tự chủ
Hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện có 240 trường ĐH, học viện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung, theo đó tại điều 13 của Nghị định này đã cụ thể hóa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH về học thuật và các hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính và tài sản.
Chủ động hơn
Trong 4 năm gần đây, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học đến đầu tư… Để đạt được những thành quả đó chính là nhờ cơ chế tự chủ.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, nhận định rằng cơ chế tự chủ đã cởi trói cho các trường ĐH ở các mặt như tuyển sinh, đào tạo, đầu tư, tổ chức bộ máy và tài chính.
Ông Hoàn cho biết hiện nay khi thực hiện tự chủ, trường ĐH tự xây dựng chỉ tiêu, được tự mở ngành mà không phải xin Bộ GD-ĐT như khi chưa tự chủ; được tự quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt kế hoạch đầu tư thay vì trước đây phải xin bộ chủ quản.
Cơ chế tự chủ cũng giúp cho trường chủ động về tài chính. Trường tự quy định các nguồn thu cũng như các khoản chi. Trước khi thực hiện tự chủ, trung bình thu nhập CBCNV toàn trường (2016) từ 14,5 đến 15 triệu đồng/người/tháng, sau khi thực hiện tự chủ (như hiện nay) thì trung bình thu nhập toàn trường tăng lên 20 triệu đồng/người/tháng. Trường tự quyết định hỗ trợ ban đầu cho chính sách thu hút nhân tài, như: người có trình độ tiến sĩ về trường được hỗ trợ ban đầu 75 triệu đồng, phó giáo sư 100 triệu đồng, giáo sư 150 triệu đồng. Trường có chính sách cho cán bộ viên chức đi học nâng cao trình độ được miễn hoàn toàn học phí đồng thời vẫn được hưởng toàn bộ thu nhập trong thời gian đi học.
Đại diện các trường ĐH cho biết thông qua cơ chế tự chủ giáo dục đại học, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét về nhiều mặt. Bản thân các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ cũng đã có nhiều đổi mới, bứt phá trong giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đầu tư từ các nguồn lực xã hội vào giáo dục cũng tăng nhiều hơn, sôi động hơn. Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang, Phó Phòng Phụ trách Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng thực tế thực hiện thí điểm tự chủ ĐH đã nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi hệ thống pháp lý cần được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới. Đến khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung (tức Luật số 34) có hiệu lực từ tháng 7-2019 và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật số 34 vận dụng vào thực tế từ tháng 2-2020, quyền tự chủ đại học được luật hóa chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, bám sát thực tiễn hơn.
Sẽ khó đột phá nếu chỉ dựa vào học phí
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết tự chủ đại học sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư cho đào tạo cũng phải tăng lên.
Theo ông Thắng, sẽ rất khó đột phá nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và sống chủ yếu nhờ học phí. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa trường đạt đẳng cấp quốc tế, các trường cần phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác nhau như hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xin đầu tư từ chính phủ,…
TS Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing, cho biết việc đa dạng hóa các nguồn thu của trường hiện nay còn rất hạn chế vì chủ yếu nguồn thu đến từ học phí và lệ phí. Đây là khoản thu chủ yếu nhưng thường phụ thuộc vào kết quả tuyển sinh hàng năm (có năm tuyển đạt chỉ tiêu, có năm không đạt). Do đó, học phí có tăng đạt mức trần quy định là 18,5 triệu đồng đối với chương trình đại trà, nhưng cũng chỉ đủ bù đắp khoản chỉ tiêu tuyển sinh không đạt hoặc giảm so với năm trước.
"Riêng khoản thu từ hoạt động dịch vụ rất hạn chế. Nguồn thu dịch vụ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng thu, lại phải chia sẻ cho người học như lập các quỹ hỗ trợ sinh viên, vì vậy tổng thu được sử dụng cho hoạt động chuyên môn của trường bị thu hẹp. Khi phải tự chủ cả chi phí đầu tư, kinh phí hoạt động còn lại sẽ càng khó khăn hơn nữa", ông Long bày tỏ.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Quyền tự chủ đại học dù đã được luật hóa vẫn còn một số vướng mắc. Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức – Viên chức…
Khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập Hội đồng trường; phân tích giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.
Bình luận (0)