Với người lính cảnh sát biển Việt Nam, mỗi chuyến tuần tra không đơn thuần là hành trình thực thi pháp luật, gìn giữ an ninh, trật tự, an toàn hàng hải mà còn là sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
Trên dải biên cương xanh thẳm, nơi từng hải lý là máu thịt của Tổ quốc, chúng tôi luôn khắc sâu trong tim: chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, sự bình yên của nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính. Mỗi chuyến đi dù tưởng chừng lặng lẽ nhưng lại khắc sâu vào ký ức bởi những câu chuyện rất đời thường mà cũng đầy chất thiêng liêng.
Hành trình đặc biệt
Tôi vẫn nhớ như in chuyến trực Tết giữa trùng khơi vùng biển phía Nam Tổ quốc năm 2019. Trong thời điểm đất liền đang rộn ràng sắc xuân và không khí đoàn viên tràn ngập khắp nơi, cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 4031 vẫn kiên cường bám biển, thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.

Tàu Cảnh sát biển 4031 trong chuyến tuần tra trên biển
Sau hơn hai tháng lênh đênh giữa trùng khơi, khi nhận được lệnh chuẩn bị cơ động về đất liền, niềm vui rạng rỡ hiện rõ trên từng khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Ai nấy đều mong ngóng giây phút được trở về sum họp bên gia đình. Nhưng rồi, một cuộc điện khẩn lúc rạng sáng ngày 10-3-2019 đã khiến con tàu đổi hướng, bước vào một hành trình đặc biệt, đầy xúc cảm.
Khoảng 5 giờ sáng, hệ thống thông tin liên lạc vang lên tín hiệu cấp cứu từ tàu cá QN 94298-TS. Trong tiếng sóng ầm vang, giọng một người đàn ông hoảng hốt: "Cứu! Cứu chúng tôi với! Tàu chúng tôi va vào đá ngầm, đang chìm! Trên tàu có 8 người, cách Tây Nam đảo Phú Quý 2 hải lý!".
Thuyền trưởng Trịnh Đình Ngọc lập tức báo động toàn tàu, thông báo tình hình và ra lệnh cơ động hết tốc lực về hướng tàu gặp nạn. Biển động cấp 6-7 khiến con tàu chao đảo, sóng vồ lên mặt boong nhưng không một ai nao núng. Trong tâm trí tôi lúc ấy chỉ hiện lên hình ảnh 8 con người đang chới với giữa biển khơi lạnh lẽo.
Khoảng 6 giờ 30 phút, chúng tôi tới hiện trường. Tôi cùng tổ công tác hạ xuồng, tiếp cận tàu bị nạn. Cảnh tượng trước mắt khiến tim tôi thắt lại. Chiếc tàu cá đã phá nước hoàn toàn, nằm ngang trên bãi đá ngầm. Trên phần mạn tàu còn nổi, 8 ngư dân ngồi co cụm, ánh mắt thất thần, gương mặt hốc hác, lặng im như hóa đá. Một người đàn ông tóc hoa râm, giọng run run vì kiệt sức, nghẹn lời: "Thế là hết rồi các chú ơi… Nợ nần chồng chất, giờ trắng tay rồi, sống sao nổi nữa…".
Tôi nhảy lên mạn tàu bị nạn, siết chặt tay ông, trấn an: "Còn người là còn của. Tàu hỏng thì sửa lại nhưng mạng người thì không thể đánh đổi. Ở nhà còn vợ con, gia đình đang chờ, các bác không được gục ngã!".
Một ngư dân trẻ nức nở, nước mắt trào ra: "Nhưng giờ… chúng tôi còn gì nữa đâu? Cả gia đình trông chờ vào con tàu này. Bây giờ mất hết rồi".
Tôi quay lại nhìn đồng đội. Không một ai lên tiếng nhưng ánh mắt họ sáng lên một niềm quyết tâm mãnh liệt. Tôi ra lệnh: "Tập trung cứu vớt tài sản cho bà con!".
Sáu đồng chí trong tổ công tác chúng tôi lập tức lao xuống biển. Trong cái lạnh tê tái, chúng tôi khẩn trương lặn ngụp tháo từng bóng đèn, vớt vát các ngư cụ, thu gom từng món đồ còn sót lại. Không gian như lặng im, chỉ có những đôi tay trần đang cặm cụi làm những điều cần làm. Hành động ấy như một ngọn lửa âm thầm sưởi ấm lại tinh thần những ngư dân đang tuyệt vọng. Từng người một bắt đầu cùng chúng tôi nhảy xuống nước, phối hợp giành giật lại những thứ còn có thể giữ được.
Mệnh lệnh từ trái tim
Sau hơn 4 giờ vật lộn với sóng gió, 8 ngư dân cùng những vật dụng vớt vát được đưa sang tàu cá QN 94297-TS thả trôi gần đó. Họ đã an toàn, nhưng thực phẩm, quần áo, vật dụng cá nhân… vẫn chìm dưới biển.
Tôi trở về tàu, trao đổi với thuyền trưởng Trịnh Đình Ngọc: "Bà con mất hết rồi, không còn gì cả. Tình cảnh này thương tâm quá, anh em mình phải làm thêm điều gì đó. Tôi đề xuất vận động anh em trên tàu nhường cơm sẻ áo với bà con ngư dân gặp nạn".
Ngay lập tức, phương án hỗ trợ được thông qua. Tôi triệu tập toàn tàu tại phòng câu lạc bộ, thông báo tình hình và kêu gọi tinh thần chia sẻ. Tất cả đồng tình và nhanh chóng thực hiện quyên góp ủng hộ. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh chiến sĩ trẻ tên Minh, rút ra từ ba lô một bộ quần áo mới, ánh mắt chân thành: "Đây là bộ quần áo em mua để mặc Tết… nhưng giờ Tết cũng qua rồi. Các bác, các anh cần hơn. Em xin gửi tặng".
Chỉ trong ít phút, 42 bộ quần áo, chăn màn, 5 thùng mì tôm, một bao gạo và nhiều vật dụng cần thiết đã được sắp xếp gọn gàng. Xuồng công tác được hạ xuống, những món quà ấm áp tình người nhanh chóng được trao tận tay bà con.


Cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 4031 cứu vớt tài sản cho ngư dân tàu cá QN 94298 - TS gặp nạn trên biển
Ông Nguyễn Văn Mai, chủ tàu cá gặp nạn, quá xúc động nên bật khóc. Ông nghẹn ngào: "Các chú đã cứu mạng chúng tôi, giờ còn lo cho chúng tôi từng bộ quần áo, từng miếng ăn… Ơn này, chúng tôi suốt đời không quên!".
Một thanh niên trẻ, là con ông Mai, siết chặt tay tôi, ánh mắt rắn rỏi nói: "Các anh yên tâm. Chúng tôi hứa sẽ thuê trục vớt, sửa lại con tàu, tiếp tục ra khơi bám biển. Có các anh đồng hành, chúng tôi không còn lo sợ nữa".
Giữa trùng khơi, có những khoảnh khắc không cần nhiều lời, chỉ những ánh mắt, hành động sẻ chia đã đủ sức lay động lòng người. Sự hiện diện của Cảnh sát biển không chỉ là thực thi nhiệm vụ, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm ra khơi, cùng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Thời gian đã trôi qua hơn 6 năm nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt những ngư dân giữa cơn hoạn nạn - ánh mắt tuyệt vọng chuyển thành hy vọng. Và tôi thấm thía hơn bao giờ hết, rằng giữ gìn chủ quyền quốc gia không chỉ là những tuyên ngôn mạnh mẽ hay là lời nói suông, mà phải được khẳng định bởi những hành động cụ thể, thiết thực, từ những việc làm gần dân, giúp dân nơi đầu sóng ngọn gió.
Lý tưởng "Vì nhân dân quên mình" không bao giờ là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh từ trái tim của người lính Cảnh sát biển Việt Nam.
Chúng tôi hiểu rằng, mỗi ngư dân bám biển là một "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền, mỗi con tàu vươn khơi gắn trên nóc lá cờ Tổ quốc là niềm kiêu hãnh trên vùng biển đảo thiêng liêng. Bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ, là sứ mệnh cao cả.

Bình luận (0)