xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Giúp ngư dân thấy rõ lợi ích quốc gia

Bài và ảnh: PHẠM THỊ LỆ XUÂN (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)

Trong phòng chống khai thác IUU phải gắn liền với bảo đảm sinh kế cho ngư dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước

Dự kiến trong tháng 10 tới, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để xem xét rút "thẻ vàng" cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thượng tôn pháp luật

Tính đến nay đã gần 7 năm ngành thủy sản Việt Nam bị EC áp "thẻ vàng" do vi phạm về khai thác IUU.

Nhận thức rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của "thẻ vàng" đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển, doanh nghiệp, đồng bộ triển khai giải pháp nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC.

Cho đến đợt thanh tra lần thứ 4 vừa qua (tháng 10-2023), đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đoàn thanh tra của EC cho rằng vấn đề mấu chốt, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, đặc biệt là tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Giúp ngư dân thấy rõ lợi ích quốc gia- Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân

Thực tế cho thấy một số ngư dân vì lợi ích cá nhân đã đưa tàu sang vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Chính điều này đã gây trở ngại rất lớn trong nỗ lực gỡ bỏ "thẻ vàng", gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của đất nước. Vì vậy, cảnh báo "thẻ vàng" của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được gỡ bỏ hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển.

Xác định rõ điều đó, thời gian qua, nhiều cấp, nhiều ngành quyết liệt vào cuộc. Một trong những biện pháp trọng tâm đó là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân... tăng cường tuần tra, kiểm soát, theo dõi, nắm tình hình hoạt động của tàu cá nước ngoài và tàu cá Việt Nam trên các vùng biển trọng điểm, nhất là các khu vực biển giáp ranh; duy trì nghiêm việc chấp hành pháp luật của các tàu cá, kiên quyết lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu cá có hành vi vi phạm quy định về chống khai thác IUU.

Song song đó là tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho ngư dân đang đánh bắt trên biển không được vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Trên khắp 28 tỉnh, thành có biển, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân bằng nhiều hình thức thích hợp với từng địa phương, từng đối tượng. Qua đó, vận động nhân dân, đặc biệt là ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác IUU, quyết tâm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngư dân

Dù đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ từ trung ương xuống địa phương, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhiều bộ, ban, ngành… nhưng trong đợt thanh tra lần thứ 4, EC vẫn cho rằng việc thực hiện khuyến nghị xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài của chúng ta vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, phục vụ cho lần kiểm tra thứ 5 của EC là "cơ hội cuối cùng" để Việt Nam gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thủy sản, nếu không chúng ta phải chờ 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.

Còn nhớ, tại hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 vào đầu tháng 10-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm công tác chống khai thác IUU thông qua việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân...

Thủ tướng cho rằng các cấp, ngành, địa phương và người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển, khai thác, đánh bắt hiệu quả nhưng bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt này đã và đang được các cấp, ngành, địa phương ra sức thực hiện.

Từ thực tiễn thực thi nhiệm vụ của Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng, tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt một số biện pháp trọng tâm. Thứ nhất, bằng mọi giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong xử lý nghiêm vi phạm không có "vùng cấm", từ đó tạo tính răn đe đối với các đối tượng có ý định vi phạm, đánh vào tâm lý của ngư dân, giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, bảo đảm 100% các tàu cá đi khai thác trên biển bảo đảm đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ... Song song đó, xử lý nghiêm những trường hợp mà EC từng phát hiện việc trộn lẫn nguyên liệu thủy sản hay hợp pháp hóa hồ sơ trái phép. Đặc biệt, các lực lượng tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng. Đối với những vụ việc đã xử lý, cần công bố thông tin rộng rãi để răn đe; qua đó ngư dân nhận thức tính nghiêm trọng của hành vi và hậu quả phải gánh chịu khi cố tình vi phạm pháp luật.

Chỉ khi xử lý nghiêm minh vi phạm, giúp ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cũng như thấy rõ lợi ích của mình thì chúng ta mới giải quyết tận gốc rễ vấn đề, mà nói như Thủ tướng tại hội nghị nêu trên: Chúng ta chống khai thác IUU không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC mà chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta. 

Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi

Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025.

Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo