Thế nhưng, đáng buồn là vụ việc đã lan tỏa đi khắp nơi trên không gian mạng. Càng đáng buồn hơn, tình trạng nói thách, "chặt chém" du khách như cách làm trên không phải là cá biệt. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi và thường xuyên đến nỗi chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ địa phương nào.
Hậu quả của việc này rất lớn, bởi không chỉ đơn thuần là "móc túi" của khách hàng được vài chục ngàn hay vài trăm ngàn đồng. Người mua ấm ức vì mất tiền thì ít, mà cảm giác mình bị lừa gạt, bắt chẹt thì nhiều, nên thường chọn cách ứng xử là tẩy chay. Ở mức độ nhỏ thì tẩy chay khu vực buôn bán đó, mức độ lớn hơn là hoài nghi cả nền kinh doanh bán lẻ. Nếu lớn hơn nữa thì họ không trở lại nơi đây. Chỉ vì vài trăm ngàn đồng mà những tiểu thương khác phải mất mát lớn vậy sao? Xã hội bị hoài nghi nặng nề vậy sao?
Mất khách hàng là chuyện vẫn còn nhỏ, mất lòng tin của người khác mới đáng lo hơn nhiều. Đây không còn là chuyện mua ít bán nhiều, mà thuộc đạo đức kinh doanh - một vấn đề rường cột của nền kinh tế.
Điểm lại những vụ việc "chặt chém" khách hàng trong thời gian qua, chúng ta sẽ thấy cách xử lý quá đơn giản, nên không có tính răn đe. Hầu hết là tìm những điểm chưa đúng quy định và xử phạt hành chính. Phạt tiền, nói thẳng ra, chẳng làm ai ngán ngại và cũng không đáng là bao so với hành vi trục lợi đã diễn ra. Thói xấu dễ lây lan. Người này làm xấu mà không bị nghiêm trị thì người khác sẽ dễ bị tiêm nhiễm. Càng ngày, tệ nạn càng nghiêm trọng và làm sờn lòng những người buôn bán tận tâm khác.
Các nhà quản lý tuy có bức xúc nhưng thường viện dẫn rằng đó là những trường hợp cá biệt; còn rất nhiều người buôn bán khác chân thành và hiếu khách. Thực tế đúng là như vậy, nhưng hãy nhìn ở góc độ của người mua, đặc biệt là khách hàng người nước ngoài. Họ không có lựa chọn và không đủ thời gian tìm hiểu toàn bộ xã hội nơi họ đến. Những gì tiếp xúc trước nhất, ở những nơi nổi tiếng sẽ là kinh nghiệm để đời mà họ kể lại cho người thân, bạn bè. Oái oăm thay, những địa điểm nổi tiếng, đông du khách lại thường là những nơi dễ xảy ra tình trạng thách giá, "chặt chém" nhất.
Không nghi ngờ gì nữa, kinh nghiệm có phần hài hước của du khách Nhật Bản nói trên đã "đóng đinh" chợ Bến Thành là nơi bán hàng giá… trên trời.
Chuyện nói thách không hề nhỏ, bởi bản chất của nó là lừa gạt. Còn dẹp tình trạng trên có khó không? Chắc chắn là không khó. Quy định đã có rồi, buôn bán phải niêm yết giá. Nói thách, "chặt chém" có thể bị phạt đến 50 triệu đồng. Nếu quy định này không đủ răn đe thì các cơ quan chức năng có thể sửa luật, xử lý mạnh tay hơn.
Quan trọng là những nhà quản lý phải thấy được đây là vấn nạn nghiêm trọng của xã hội và chắc chắn nó đang làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong mắt du khách.
Bình luận (0)