Theo văn bản này, có đến 16 trên tổng số 41 nhà máy sản xuất đường phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy hoạt động có đến 17 nhà máy bị thua lỗ. Tình trạng này diễn ra bất chấp ngay việc từ giữa năm 2021, Việt Nam áp dụng thuế phòng vệ thương mại lên đến 47,64% đối với đường nhập khẩu chính ngạch, nhằm giúp ngành mía đường trong nước lớn mạnh. Nguyên nhân được lãnh đạo hiệp hội lý giải là do đường nhập lậu của Thái Lan tràn ngập khiến đường trong nước không thể cạnh tranh nổi.
Một ngành sản xuất mà đối diện nghịch cảnh trên thì quả là có khả năng phá sản thật. Nếu chuyện này diễn ra thì hậu quả dây chuyền khó có thể tưởng tượng: Lụn bại một ngành sản xuất, hàng vạn người mất việc, nông dân trồng mía lao đao và mỗi năm phải chi một số tiền khổng lồ để nhập hàng triệu tấn đường nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Việc phải triệt tiêu đường nhập lậu là việc chắc chắn phải làm ngay. Thế nhưng, để ngành mía đường Việt Nam phát triển một cách bền vững đủ sức cạnh tranh thì xem ra còn rất nhiều việc phải làm chứ không riêng việc chặn đường lậu.
Hãy nhớ, mía đường là một trong những ngành được Chính phủ tập trung phát triển rất sớm. Từ năm 1995, nhận thấy có nhiều lợi thế phát triển nguồn nguyên liệu, nhu cầu đường trong nước cao nên Chính phủ đã lập Chương trình 1 triệu tấn đường giai đoạn 1995 - 2000. Mục tiêu này đã đạt được nhưng lại bộc lộ những vấn đề mà "di chứng" còn kéo dài đến nay. Phát triển quá nóng vội nên các nhà máy phần lớn là sử dụng công nghệ cũ, công suất nhỏ; các vùng nguyên liệu phát triển tự phát, manh mún, kỹ thuật thấp nên giá thành sản xuất cao, không thể cạnh tranh nổi với đường được sản xuất từ những nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan.
Sau nhiều năm cải cách nhưng ngành mía đường thường xuyên lâm vào cảnh thua lỗ và phải nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định đạt 300.000 ha, sản lượng mía đạt trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn; đến năm 2030 đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn...
Tuy nhiên, VSSA dẫn số liệu từ các nhà máy đường cho thấy niên vụ mía đường 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6,7 triệu tấn, sản lượng đường các nhà máy sản xuất được chỉ khoảng 900.000 tấn. Không có lãi thì giá mua mía cũng thấp và lúc này người nông dân nản lòng, bỏ cây mía để trồng thứ khác, thế là diện tích trồng mía giảm mạnh.
Không thắng nổi đối thủ thì hãy học hỏi họ, mà đối thủ trực tiếp trong câu chuyện này là mía đường Thái Lan. Mỗi năm họ dành 2-3 triệu USD chỉ để nghiên cứu giống mía và bàn giao miễn phí cho nông dân và nhà máy. Các chính sách trợ giá hàng tỉ USD và hỗ trợ lãi suất ngân hàng được ưu tiên cho nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất... Những chính sách này phát huy hiệu quả rất cao và đánh bại hàng loạt đối thủ lớn trong ngành mía đường như Brazil, Ấn Độ... và cả Việt Nam.
Bình luận (0)