Theo nghị quyết này, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do thành phố quản lý và một số cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố…
Mức chi TNTT tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi TNTT không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Mức chi tối đa 3 triệu đồng/người/tháng.
Cùng thời điểm này, ngày 20-9, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thủ đô cũng quy định chi TNTT cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Có thể thấy tăng thu nhập của đội ngũ công chức, viên chức là một trong những chính sách quan trọng nhằm tạo động lực cho đội ngũ an tâm làm việc, đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển của hai thành phố lớn nhất cả nước. Đặc biệt, trong nhóm đối tượng hưởng TNTT tại TP HCM đã mở rộng đến 11 cơ quan trung ương có đóng góp và gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Tất cả những chính sách này đều nhằm tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao uy tín, hình ảnh của TP HCM là địa phương đi đầu trong đổi mới và phát triển, có môi trường hoạt động công vụ hiện đại, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Việc hỗ trợ này cũng góp phần giảm tình trạng nghỉ việc, "chảy máu chất xám" và thiếu hụt nhân lực trong thời gian qua. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, cả nước có 39.500 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Một trong những lý do thôi việc là tiền lương còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống; chính sách đãi ngộ những người có trình độ chuyên môn cao chưa thực hiện tốt nên nhiều người chuyển sang khu vực tư để làm việc…
Nay với Nghị quyết 98 hay Luật Thủ đô sẽ được thông qua, áp dụng làm bệ phóng, hai thành phố lớn nhất cả nước hy vọng vào những chính sách thông thoáng, tư duy cởi mở, đưa hai thành phố ngày càng phát triển nhanh chóng với đội ngũ công chức, viên chức chất lượng cao, an tâm làm việc, có khả năng sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)