Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với những tác động bất lợi, vấn đề cán bộ dám nghĩ, dám làm không còn là yêu cầu mà đã là mệnh lệnh.
Trong các cuộc họp của Chính phủ và nhiều bộ, ngành… đã nêu ra thực tế có một bộ phận cán bộ sợ việc, sợ trách nhiệm nên chọn giải pháp an toàn theo cách "không làm thì không sai". Nhưng không làm thì công việc chậm chạp, chất lượng phục vụ người dân giảm sút và đáng ngại hơn là các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ.
Đối chiếu thực tế, câu chuyện này đã lộ diện khó có thể che lấp. Điển hình là giải ngân vốn đầu tư công quá thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ, tỉ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 14,66%. Trong bức tranh buồn này, có đến 32 bộ và cơ quan giải ngân dưới 5%, đồng nghĩa các dự án công gần như là ngừng trệ. Chậm dự án công thì kéo chậm sự thụ hưởng của người dân, chậm đưa dự án vào phục vụ nền kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí có dự án sẽ mất tác dụng hoặc lỗ nặng. Bên cạnh đó, những gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp cũng chậm đến tay người cần. Thực trạng rất oái oăm, có tiền mà không tiêu được, trong khi người cần thì khó tiếp cận.
Thực ra, việc dám nghĩ, dám làm thuộc về trách nhiệm công vụ của cán bộ. Đây là yêu cầu của người dân đối với công tác quản trị, dù ở bất cứ vị trí công việc nào. Né tránh trách nhiệm này cũng có nghĩa không thể hiện được năng lực cán bộ theo yêu cầu. Trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nêu: Ai không dám làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Trong cơ chế mới này, không thể chấp nhận người thụ động.
Với thời kỳ mới đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách vĩ mô tầm quốc gia, yêu cầu dám nghĩ, dám làm càng được xem trọng. Từng cấp độ công việc đều cần những người dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo được đột phá trong từng khâu. Hiện tại không cho phép nuôi dưỡng tâm lý né tránh công việc, lấy báo cáo thành tích che lấp sự yếu kém. Mọi công việc đều được định lượng và có tiêu chí đánh giá rất rõ ràng về năng lực và tinh thần phục vụ của cán bộ. Hiệu quả công việc cao thì phục vụ xã hội được tốt và bản thân người cán bộ sẽ được trọng dụng, đề bạt. Nhưng muốn cán bộ dám nghĩ, dám làm thì cần phải có cơ chế đánh giá, bình xét minh bạch, công bằng cũng như chính sách cụ thể bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sự dũng cảm, đột phá phải được đánh giá tương xứng và được bảo vệ trước sự đố kỵ, cạnh tranh cơ hội của những cá nhân thiếu năng lực khác.
Nỗ lực trong việc nhỏ thì thành công nhỏ, thành công nhỏ tập hợp sẽ góp phần cho mục tiêu lớn. Thành công những chính sách lớn thì mới nâng được mức sống của người dân và thực hiện được sự ổn định kinh tế - xã hội trong giai đoạn đầy biến động này. Dám nghĩ, dám làm không chỉ là trách nhiệm mà đã trở thành phẩm chất của cán bộ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bình luận (0)