Theo phân tích của các ĐB, khi đường Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội được xây dựng sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu. Điều này đặt ra yêu cầu phải quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật.
Phân tích thêm về vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phản ánh thời gian qua, khi mới chỉ nghe dư luận là QH sẽ xem xét, thảo luận về 2 tuyến đường này thì giá đất ở khu vực đó đã sôi động và tăng lên rất nhiều lần.
"Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí" - ĐB Hoàng Văn Cường nói và đề nghị Chính phủ đề xuất với QH một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này theo hướng quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa…, vừa tránh tình trạng phát triển tự phát, vừa có quỹ đất dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai.
Rất hoan nghênh các ĐB đã lên tiếng cảnh báo sớm một trong những vấn đề nhạy cảm của thực tiễn. Hơn nữa, nếu việc quản lý và khai thác nguồn lực từ việc quy hoạch khu vực dọc hai bên của 2 tuyến đường này mà làm được và làm tốt thì đây cũng sẽ là những gợi mở thiết thực cho công tác quy hoạch và triển khai các dự án.
Lâu nay, hễ bất kỳ nơi nào được đưa vào quy hoạch làm dự án, kể cả mở đường hay lập khu hành chính mới… thì giá đất ở quanh khu vực dự án đều đột ngột tăng, có khi còn tạo ra những cơn sốt đất.
Hàng loạt cơn sốt đất dọc dự án mở tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (liên quan 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng) mới đây là một điển hình. Đất đai không chỉ lên giá đột ngột mà còn diễn ra tình trạng phân lô bán nền vô tội vạ, gây rối loạn an ninh trật tự trong quản lý đất đai.
Thông tin sẽ mở các tuyến đường nơi này nơi khác, lâu nay cũng ít được cơ quan chức năng hay các địa phương công bố một cách công khai và rõ ràng. Nhiều trường hợp khi thông tin được công khai thì hàng loạt cán bộ và người nhà cán bộ một số ngành chức năng hoặc địa phương có dự án đi qua đã kịp nhanh tay thâu tóm đất đai giá rẻ dọc các dự án. Đây là cách trục lợi từ đất đai. Cách này được xem là rất dễ để làm giàu.
Nay, nếu có cơ chế để quy hoạch các khu vực hai bên dự án đường sẽ mở, rồi quy hoạch thành các khu vực chức năng để quản lý, khai thác thì không chỉ có thêm nguồn thu ngân sách, mà những đối tượng trục lợi từ đất dự án cũng khó có cơ hội thao túng như trước.
Nhìn rộng ra, không chỉ riêng đất đai quanh các dự án, mà nhiều nguồn lực khác của đất nước cũng cần có cơ chế để quản lý tốt.
Bình luận (0)