Chính trong khó khăn, thử thách đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động và có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp để triển khai và thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố duy trì, ổn định thị trường, giá cả; đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn và quy mô hơn, cùng các hoạt động liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước.
Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ và người kinh doanh đã đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, trực tuyến và giao hàng tận nơi. Có thể nói, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Để việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP HCM đạt hiệu quả cao, cần tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện có hiệu quả việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Trọng tâm tuyên truyền sâu rộng tạo sự thống nhất, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp thuộc chương trình hành động của thành phố về cuộc vận động. Tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn dắt thị trường. Cùng với đó là tăng cường huy động, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các sở, ngành cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số...
(*) Lược ghi bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP HCM năm 2021, ngày 6-5. Tựa do Báo Người Lao Động đặt.
Bình luận (0)