Sáng 21-9, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 47 với chủ đề "Xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập".
Lỗ hổng pháp lý về nhãn hàng Việt
Tham dự chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận tính cấp thiết của việc ban hành thông tư về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, khoảng 10 năm trước, việc ghi nhãn hàng Việt không phải là vấn đề quan trọng do uy tín của hàng Việt chưa cao, ghi nhãn không những không mang lại giá trị gia tăng mà thậm chí còn phản tác dụng. Gần đây, với sự thay đổi về chất lượng và mẫu mã của hàng Việt Nam, việc ghi nhãn "Made in Vietnam" được cho là để dễ bán hàng hơn. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng trống pháp lý về quy định hàng hóa thế nào được dán nhãn Việt Nam. "Từ đầu năm 2018, Bộ Công Thương thấy cần ban hành quy định thế nào là hàng Việt, hàng sản xuất tại Việt Nam… làm căn cứ để phân xử đúng - sai cho DN" - Thứ trưởng thông tin.
Trong phần thảo luận, bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cũng thừa nhận tình trạng nhiều năm trước, người Việt Nam chưa tin tưởng hàng sản xuất trong nước. Bản thân hệ thống Saigon Co.op cũng phải gắn chữ "Hàng Việt chất lượng cao" để thu hút khách hàng đến với siêu thị.
"Thời điểm đó, chúng tôi quan niệm đơn giản là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tức là hàng Việt Nam, sau đó mở rộng ra khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sản phẩm được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, tức đã có giá trị gia tăng thì dù sử dụng nguyên liệu nhập khẩu vẫn có thể xem xét là hàng Việt. Bởi vì, các nghiên cứu thị trường cho thấy nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam chưa phát triển, cần nhập khẩu nhiều" - bà Hạnh nêu quan điểm.
Diễn giả thảo luận tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 47
Cần công cụ để đối chiếu giải quyết sự cố
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, bày tỏ mong muốn dự thảo thông tư của Bộ Công Thương không tạo thêm thủ tục hành chính với DN mà tích hợp thông tin từ các thông tư, nghị định khác một cách hệ thống cho DN dễ hiểu. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty May thêu đan Giày An Phước, cho biết An Phước mua bản quyền của Pierre Cardin khoảng 20 năm trước và phải nhập nguyên phụ liệu nước ngoài về để sản xuất. "Chúng tôi vẫn hiểu hàng hóa "Made in Vietnam" là có nhà máy tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, công nhân Việt Nam làm ra sản phẩm. Lâu nay theo tiêu chí đó nhưng hiện giờ cũng thấy hoang mang về việc xác định thế nào là hàng Việt" - bà Điền bày tỏ.
Giải đáp các vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với mong muốn của DN không muốn phát sinh thêm công cụ để cơ quan chức năng cản trở công việc kinh doanh của DN. "Chỉ nên sử dụng thông tư này như công cụ để đối chiếu khi có chuyện xảy ra. Quá trình hoàn thiện thông tư, chúng tôi sẽ thể hiện rõ hơn điều này" - ông Trần Quốc Khánh khẳng định. Riêng trong ngành dệt may, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết quy tắc để xác định hàng Việt nằm ở khâu cắt và may. Theo đó, dù nhập vải nước khác về nhưng khâu cắt và may diễn ra tại Việt Nam thì sản phẩm được gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam. Về tỉ lệ xuất xứ 30%, ông Trần Quốc Khánh giải thích trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, rất khó có sản phẩm nào được sản xuất 100% tại một quốc gia, trừ một số sản phẩm nông nghiệp. Thương mại quốc tế quy định giá trị tạo ra trên lãnh thổ nào đó ở mức 30% là đủ được coi là sản phẩm do nước đó sản xuất.
Bình luận (0)