Các ý kiến chia sẻ rất sâu sát, có phản biện, trao đổi qua lại, cho thấy các đại biểu tại tọa đàm rất quan tâm, dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu với mục tiêu đóng góp cho Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam những phương hướng, gợi ý những giải pháp hay để tuyển dụng, đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là chủ đề được cả nước quan tâm bởi sau đại dịch, khi mở cửa phục hồi kinh tế thì vấn đề nguồn nhân lực đang được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) đặc biệt chú trọng.
Tại tọa đàm, các đại biểu rất quan tâm đến khái niệm thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tập trung phân tích về trình độ, kỹ năng và cả bậc học, trình độ học vấn... Tựu trung, các đại biểu nhìn nhận nhân lực chất lượng cao là những người được đào tạo, làm tốt công việc chuyên môn của mình và có những đóng góp nhất định cho tổ chức, cho doanh nghiệp nơi họ làm việc. Họ là NLĐ có trình độ, có tay nghề, có kỹ năng tốt đảm đương công việc và hoàn thành công việc được giao.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: NLĐO
Tọa đàm đã góp phần giúp nhiều người thay đổi nhận thức về nguồn lao động chất lượng cao. Ở đây là nhận thức của cả cấp quản lý và NLĐ, để thấy rằng sự phát triển kinh tế, công nghệ và kỹ thuật luôn đòi hỏi NLĐ có tay nghề, trình độ cao mới đáp ứng được. Tiếp đến là phát triển kỹ năng cho NLĐ, trong đó phải kể đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp trong công việc...
Thái độ của NLĐ trong công việc vô cùng quan trọng, cần được cải thiện để nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Thái độ chiếm phần lớn trong mọi thành công, trong đó có sự trung thực trong quá trình làm việc. Trong kỷ nguyên mới này, tác phong làm việc cũng rất quan trọng, quyết định đến chất lượng nhân sự.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và tổ chức đào tạo trong mảng đào tạo nghề cũng cần được quan tâm đầu tư đúng hướng. Việc đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng mới cho NLĐ, kể cả đào tạo lại, cũng sẽ góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân sự chất lượng cao từ các địa phương khác ngoài khu vực cũng là hướng để có thể giải bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao hiện nay.
Qua tọa đàm càng thấy rằng phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để lan tỏa những thông tin về nhân lực, về đầu tư cho các hoạt động liên quan đến nhân sự... Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chiến lược dài hạn mang tính quốc gia, bởi chỉ có đầu tư vào con người thì mọi định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới đạt được như mong muốn.
(*) Lược ghi phát biểu tại tọa đàm "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", do Báo Người Lao Động và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 14-4.
Bình luận (0)