Ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm ngàn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV-2022 đã "giảm nhiệt" trong các tháng cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Năm 2023, ngành LĐ-TB-XH đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, các chỉ số về lực lượng lao động, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Ước thực hiện năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.
Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường
Bên cạnh đó, kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành LĐ-TB-XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỉ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỉ đồng.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.
Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống…
"Trong 19 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, chúng ta đã hoàn thành tốt, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bước vào năm 2024, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu toàn ngành cần phát huy sự đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi pháp luật, quyết tâm cao hơn, quyết liệt, kiên trì, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đặt ra, tinh thần không có chỉ tiêu nào không đạt.
Không để người dân nào không có Tết
Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mong muốn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể chăm lo chu đáo để mọi người dân đều được đón Tết.
"Nhất là đối với người có công, người nghèo, đối tượng xã hội, người lao động các đối tượng yếu thế trong xã hội, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bình luận (0)