Ngày 1-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Lưu ý tính khả thi của mục tiêu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, thôn; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 - 2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025; 2026-2030 và 2031-2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần và đề ra 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể cho mỗi giai đoạn. Chính phủ định hướng đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước.
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%). Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%). Vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%). Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỉ đồng.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH Nguyễn Đắc Vinh, cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Thảo luận tại hội trường, đa số các ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư chương trình nhằm hướng tới phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa.
Một trong những mục tiêu cụ thể hướng đến của chương trình là "Phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2542 di tích) được tu bổ, tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia" được tu bổ, tôn tạo.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) lo ngại nếu đặt mục tiêu như tờ trình, dễ dẫn đến việc tu bổ, tôn tạo triệt để, di tích không cần tu bổ cũng tu bổ hoặc biến việc tu bổ, tôn tạo thành "làm mới" di tích như đã từng xảy ra. Theo ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), đưa ra mục tiêu 100% học sinh, học viên, sinh viên được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa là rất khó bởi còn tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế, khả năng triển khai.
Làm rõ ý kiến ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận nếu đặt mục tiêu như tờ trình là có phần khó khăn. Theo Bộ trưởng, để khả thi, bộ cũng rất cân nhắc ý kiến của cơ quan thẩm tra và dự kiến điều chỉnh lại theo hướng "Phấn đấu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa". Như vậy, đây sẽ là mục tiêu phấn đấu, cố gắng và bỏ chữ "hiệu quả, thường xuyên" như tờ trình.
Tiếp thu, giải trình nội dung thảo luận chỉ tiêu về tu bổ, tôn tạo di tích, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ chỉ tu bổ, tôn tạo những di tích hư hỏng, xuống cấp, để đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia xuống cấp được tu bổ, tôn tạo.
Quản chặt cải tạo nhà ở làm karaoke, vũ trường
Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Một trong những quy định được đại biểu quan tâm là điều kiện PCCC đối với nhà ở, nhất là nhà ở chuyển công năng sang sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.
ĐB Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung một khoản quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh. Theo ĐB Vang, những năm gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh, để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
ĐB này cho biết trong số các cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động, có đến 90% hoạt động trên cơ sở là các công trình được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ. Theo quy định của Luật Xây dựng, việc cải tạo làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ và môi trường thì phải được cấp phép sửa chữa, cải tạo. "Tuy nhiên, các công trình cải tạo để làm cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường hầu như không xin cấp phép xây dựng nên bỏ qua các yêu cầu về PCCC cần tuân thủ" - ĐB Tô Ái Vang nói.
Còn theo ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), quy định "Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không được bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh" tại điều 20 là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Theo ĐB Mai, điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác và thực tiễn các gian hàng, ki-ốt ở chợ hiện không đủ diện tích để bố trí nơi mua bán và phân cách rõ ràng. Do đó, ông Mai đề nghị cần xem xét lại quy định này theo hướng chỉ khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình.
ĐB Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; yêu cầu công khai kết quả kiểm tra PCCC hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở. Theo ĐB này, thực tế nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện các vi phạm.
Với nội dung thẩm định thiết kế PCCC, ĐB Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng việc quy định cơ quan công an chỉ thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở, không có bước cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tức là giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Điều này có thể xảy ra trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định "chưa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của PCCC".
Điều này, ĐB lo ngại sẽ làm ảnh hưởng phát sinh thêm thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Ông Huân đề nghị bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan công an đối với bước chuẩn bị dự án.
Nghiên cứu nguồn nước chữa cháy ở các hẻm nhỏ
Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy trong hẻm nhỏ và các chung cư cao tầng. Ví dụ, đối với các nhà chung cư nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời. ĐB Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) đề nghị cần có các quy định về hệ thống giao thông dẫn vào các tòa chung cư phải bảo đảm tối thiểu cho xe PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận.
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách
Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), người Việt Nam được khen thông minh, cần cù nhưng dễ thỏa mãn, hiểu nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối, tiết kiệm nhưng cũng hoang phí do sĩ diện hoặc phô trương. Những điểm yếu này có thể khắc phục nếu tạo được thói quen đọc sách trong toàn xã hội. "Hiện nay, cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách" - ông Cảnh dẫn chứng.
Theo ông Cảnh, đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Hướng cho trẻ đọc sách sẽ tránh đứt gãy văn hóa, hoàn thiện nhân cách, còn đọc lướt tin trên mạng không đầy đủ nội dung, dễ suy nghĩ phiến diện dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá. Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi, đến chốn; còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung. ĐB kiến nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho các trẻ bậc tiểu học về nhà đọc sách. Đồng thời, đề nghị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, cần bổ sung phát triển không gian đọc ở nơi công cộng, khu du lịch, lưu trú.
Bình luận (0)