Cuối năm, mình tiếp tục uống cà phê với mấy bạn thâm niên nghề bán lẻ, dù thiên hạ đang nghiêng tai theo một cuộc họp lớn bí mật ngập tin đồn.
– Này, Metro bàn giao xong rồi.
– Còn Big C, vẫn chưa biết người mua?
– Có luôn. Người Thái, Central Group, hết quý 1 bàn giao. Giờ đã chắc được 90%, rủi phút 89 thay đổi thì ai nghe nấy chịu.
– Vậy là tin vừa vui vừa buồn.
– Nói hai cái “vừa” đó nghe coi?
– Ừ, thì vui vì mừng cho Big C, người chuyên nghiệp mua thì tiếp tục phát triển chớ rủi đại gia bán lẻ thần tốc mà mua thì chắc tan hoang hệ thống luôn. Còn buồn là vì thấy doanh nghiệp Việt khó thêm đầu ra, thêm ngặt chỗ bán hàng.
– Chà, Central chào đón AEC ấn tượng quá nhỉ?
– Đâu phải chạy theo AEC. Họ có chiến lược từ rất lâu rồi. Mở cửa thị trường ASEAN chắp thêm cánh cho họ thôi. Nên nhớ, 7 năm trước, Central Group từng hỏi mua Maximark. Central lại vốn là cổ đông của Big C Thái Lan, mua bán cổ phiếu thuận. Có thể họ giữ nguyên tên không cần đổi bởi ở Việt Nam, Big C thành danh rồi.
– Cứ ngắm thiên hạ chơi bàn cờ bán lẻ, thấy Việt Nam mình quá đơn giản. Bỏ tiền triệu USD chịu lỗ dài dài. Hệ thống điện toán chặt chẽ như ngân hàng. Hệ thống nhân sự dạy ngày dạy đêm liên miên thực tập. Thấy Emart Hàn Quốc phát nể. Có mặt ở Việt Nam đã 4 năm, chuẩn bị ròng rã mới ra 1 cái đầu tiên 3 hecta, 60 triệu đô Mỹ, doanh số đang 5 tỷ mỗi ngày!
Nhưng trong câu chuyện Central mua Big C, có chuyện về một người quen cũ cũa tôi, Pascal Billaud, nguyên Tổng giám đốc Big C. Hồi Pascal còn làm TGĐ Big C, cứ vài tháng lại mời tôi ăn trưa ở Park Hyatt, ngồi đúng cái bàn quen thuộc ở bao lơn tầng trệt.
Ông hỏi thăm doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và góp ý để hàng Việt bán tốt hơn trong siêu thị quốc tế. Ông đặc biệt quan tâm và muốn nhập đặc sản Việt Nam vào Big C.
Rồi ông bị một vấn đề trục trặc với lãnh đạo và ra đi. Ít lâu, ông lại rủ tôi ăn trưa , cũng lại ở Park Hyatt, khi ông lại quay lại Việt Nam, trong ban lãnh đạo Central Group. Đó là khi ông chuẩn bị mở cửa hàng Robins của Central ở Crescent Mall.
Tôi nhớ hôm đó tôi có giới thiệu với ông là Việt Nam có nhiều thương hiệu áo sơ mi xuất khẩu rất xuất sắc: Pierre Cardin, Việt Tiến… và tôi đề nghị ông nên xem, mua cho Robins.
Ông nói khá dài, thẳng thắn, “Tôi e rằng khó, bà Hạnh”. Những nhãn hiệu đó không phải hàng hiệu thế giới hay châu Á. Giá, chất liệu vải, mẩu mả không hấp dẫn hơn sơ mi các nước đối thủ, số lượng liệu có đủ cho cả chuỗi cửa hàng chúng tôi khắp các nước và vận chuyển có nhanh, đồng loạt với chi phí cạnh tranh không?
“Dù chúng ta là bạn đã nhiều năm, đề nghị của bà, tôi e là khó…”
Tôi tranh luận tiếp tục và ông im lặng. Đúng là nếu bán được cho một cửa hàng hay siêu thị của họ ở TP HCM, cũng có nghĩa họ chấp nhận mua hàng mình cho cả chuỗi toàn vùng hay toàn cầu, không cần vác hàng sang Thái. Nhưng cái ải đầu tiên đã có nhiều ẩn số rồi…
Nếu Central mua Big C thực, tôi sẽ gặp lại Pascal. Người Thái nói họ nhắm thị trường bán lẻ Việt Nam. Cứ từ từ, không cần thần tốc, họ mua Metro C&C, rồi Big C, rồi … hàng trăm cửa hàng tiện lợi, chuỗi hội chợ hàng Thái.
Có chiến lược, có đeo đuổi kiên trì, có sự đồng lòng qua hành động giữa nhà nước và doanh nghiệp, và có tiền, có tâm, có nghề. Đó, đó là một đối thủ, một tay chợi sành sỏi trong phim hành động… về trận địa bán lẻ.
Bình luận (0)