ThS. Trương Huỳnh Anh Vũ và nhóm cộng sự tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) vừa hoàn tất đề tài nghiên cứu "Khảo sát mức độ nhiễm vi sinh vật và đánh giá khả năng kháng kháng sinh của Salmonella spp. trong thực phẩm tại khu vực TP HCM". (Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp TP, do Sở KH&CN thành lập vừa nghiệm thu thông qua).
Theo đó từ tháng 9-2019 đến tháng 12-2020, nhóm nghiên cứu đã thu thập ngẫu nhiên 2.940 mẫu thực phẩm (thực phẩm tươi sống và sản phẩm đã qua chế biến) ở 48 chợ truyền thống (2.680 mẫu) và 5 siêu thị (260 mẫu) trên địa bàn TP.HCM.
Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn Salmonella spp. trong thực phẩm tại TP HCM (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Thực hiện quy trình phân tích định tính các chỉ tiêu vi sinh bằng kỹ thuật PCR, nhóm nghiên cứu ghi nhận nhóm mẫu thịt và sản phẩm từ thịt chiếm tỷ lệ nhiễm cao nhất, đến 34,93% (234/670) tại chợ và 15,38% (10/65) tại siêu thị. Tiếp theo là nhóm mẫu thủy hải sản và sản phẩm từ thủy hải sản, tỷ lệ là 18,06% (121/670) tại chợ và 6,15% (4/65) tại siêu thị.
Nhóm mẫu rau củ quả chiếm tỷ lệ thấp nhất với 0,15% (1/670) nhưng chỉ phát hiện ở mẫu lấy tại chợ. Chưa ghi nhận trường hợp nào có nhiễm Salmonella spp. đối với nhóm trứng và sản phẩm từ trứng.
ThS. Trương Huỳnh Anh Vũ cho biết nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm khả năng nhạy với kháng sinh của 150 chủng Salmonella spp. (được phân lập từ mẫu thực phẩm) với 11 loại kháng sinh, xác định hàm lượng ức chế tối thiểu (MIC) của kháng sinh lên Salmonella spp., từ đó xác định được số lượng Salmonella spp. kháng và đa kháng kháng sinh.
Hình ảnh nhạy với kháng sinh của các chủng Salmonella spp. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
"Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là lĩnh vực "nóng" của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và cả Việt Nam nói riêng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Trong đó, Salmonella spp. được giới khoa học nhận định một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới, với hàng triệu ca nhiễm hằng năm, dẫn đến hàng trăm ngàn trường hợp tử vong. Mặt khác, sự gia tăng về mức độ kháng kháng sinh của Salmonella spp. có mặt trong thực phẩm là một vấn đề quan ngại trên toàn cầu trong thời gian gần đây bởi sự lạm dụng kháng sinh trong điều trị trên cơ thể người và trong ngành chăn nuôi" - ThS. Anh Vũ thông tin thêm.
Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho hay Sở sẽ tiếp tục đặt hàng các nhà khoa học mở rộng thêm hướng nghiên cứu như đề xuất những tiêu chuẩn hoặc giải pháp bảo quản; các phương pháp phân tích nhanh tại chỗ có độ nhạy, chính xác cao để phát hiện kịp thời các chất cấm, độc tố, tồn dư kháng sinh và vi sinh vật… làm cơ sở cho cơ quan chức năng tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ thực phẩm bẩn, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Bình luận (0)