Khẳng định không liên quan tới đề xuất nhập 50.000 tấn đường từ Lào gần đây, song Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai ủng hộ việc nhập khẩu để tăng cạnh tranh, đồng thời kêu gọi một cuộc cách mạng trong ngành mía đường.
Từng đề xuất việc tạm nhập tái xuất 30.000 tấn đường trong năm 2014, đồng thời đang sản xuất mía đường quy mô lớn tại Lào, ông Đoàn Nguyên Đức được dư luận chú ý khi gần đây, Bộ Công Thương đưa ra một đề xuất khác, về việc nhập 50.000 tấn cũng từ thị trường này cho niên vụ 2015. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai vừa có cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện này.
- Đề xuất nhập khẩu 50.000 tấn đường với thuế suất 0% từ Lào được đưa ra trước sự phản đối của Hiệp hội Mía đường, do lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Là doanh nghiệp đang làm mía đường tại Lào, ông có ý kiến gì?
- Trước hết, tôi xin khẳng định là Hoàng Anh Gia Lai không phải bên đề xuất nhập đường. Đây là câu chuyện giữa Chính phủ 2 nước. Còn đường chúng tôi làm ra tại Lào không lệ thuộc vào thị trường nào cả.
Với đề xuất dừng nhập khẩu của Hiệp hội, tôi cho rằng không hợp lý. Việt Nam đang mở cửa hội nhập mà giá đường trong nước cao hơn thế giới 30% thì chuyện cấm đường ngoại là ngược với cơ chế thị trường. Người tiêu dùng có quyền được ăn đường giá rẻ. Hơn nữa, cấm nhập đường Lào làm gì khi mà đường lậu ở các nước lân cận vẫn tuồn vào do chênh lệch giá khá lớn.
- Ông nói giá đường Việt Nam đang cao hơn thế giới 30%. Tại sao lại như vậy?
- Đây là câu chuyện dài liên quan đến nhiều yếu tố: khoa học kỹ thuật, quy mô canh tác, lợi thế về cây giống, thổ nhưỡng, quy trình sản xuất và cả tính cạnh tranh của ngành nghề… Tại Việt Nam, người nông dân trồng mía chưa có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật cao, quy mô canh tác hạn hẹp và quan trọng là chính sách bảo hộ bằng hạn ngạch, thuế nhập khẩu cao... thực chất chỉ làm lợi cho các nhà máy, còn nông dân chưa được hưởng gì.
Nghịch lý đang xảy ra là người nông dân trồng mía vẫn thua lỗ triền miên còn giá đường trong nước lại cao hơn thế giới. Chính cơ chế này đã kéo ngành mía đường đi xuống, ỷ lại vào chính sách bảo hộ.
Bầu Đức cho rằng được bảo hộ mà ngành mía đường vẫn lỗ, người trồng mía vẫn khó khăn và giá đường trong nước cao hơn thế giới là điều bất hợp lý. Ảnh: Vũ Lê
- Vậy theo ông, cần phải làm gì để thay đổi điều này?
- Tôi cho rằng cần một cuộc cách mạng trong ngành mía đường và nên mạnh dạn cho đường ngoại hội nhập, chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng để thúc đẩy phát triển.
Tôi nói điều này với tầm nhìn bao quát, khách quan. Thay vì hỗ trợ trong nước bằng hạn ngạch, cấm nhập thì nên thả nổi, nên cho nó tự vươn lên tìm lối đi riêng. Hãy để cho ngành mía đường có cơ hội tự tổ chức kinh doanh lại. Tại sao phải bảo hộ ngành này khi những nông sản khác phải lực cánh sinh. Họ vẫn đủ sức sống khỏe, thậm chí phát triển tốt đấy chứ !
- Nhưng có bảo hộ mà người trồng mía còn điêu đứng, các nhà máy còn lỗ, giá đường trong nước vẫn cao... thì khi bỏ bảo hộ, tình hình sẽ ra sao thưa ông?
- Một đứa con sống tự lập chắc chắn tốt hơn suốt đời chỉ dựa vào cha mẹ. Còn nếu không tự lập được thì phải chấp nhận bị đào thải. Nhìn lại lịch sử, những ngành nghề nào phải bảo trợ để tồn tại thì thường chết yểu. Tôi khuyên các nhà máy mía đường nếu làm ăn thua lỗ thì nên đóng cửa để nông dân bớt khổ. Chỉ có cách giải quyết trực diện, thẳng thắn này mới giúp được người nông dân.
Lẽ ra người trồng mía khi thua lỗ triền miên có thể chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn, chứ không nên cứ bám chặt vào ngành nghề này để rồi không có lối thoát. Hàng chục triệu người Việt đang ăn đường giá cao hơn thế giới và 80% người trồng mía bị lỗ. Kiếm người nông dân giàu lên từ cây mía không ra. Thực chất, bỏ cơ chế bảo hộ này mới là cứu người nông dân.
Bình luận (0)