Ngoài hiệu quả giới thiệu, bán hàng, chương trình "Kích cầu tiêu dùng năm 2020" còn là nơi để doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, tạo dấu ấn để tiếp tục xúc tiến, kết nối sâu hơn.
Giảm giá đến 90%
Gần trưa 2-7, gian hàng của Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) trong chương trình "Kích cầu tiêu dùng" tại số 19 Đào Trinh Nhất (quận Thủ Đức, TP HCM) thu hút khá đông khách tham quan, dùng thử sản phẩm và mua hàng.
Trực tiếp giới thiệu sản phẩm, giao lưu với khách ngay trước gian hàng, bà Lê Thùy Trang, Trưởng Phòng Marketing của công ty, cho biết APT mang đến sự kiện gần 30 sản phẩm với mức giảm giá khuyến mãi trung bình 15%-20%. Ngoài ra, khách mua hàng có hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên còn được tham gia rút thăm trúng thưởng chương trình giảm giá; tính chung tổng mức giảm lên đến gần 50%.
"Sản phẩm tiêu thụ tốt nhất cũng là sản phẩm mới nhất của chúng tôi là khô cá ba sa, giá khuyến mãi 70.000 đồng/con khô 300 g" - bà Trang nói.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm tại chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” tổ chức ở TP HCM ngày 2-7 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo bà Trang, mục đích chính của công ty khi tham gia chương trình không chỉ để bán hàng mà còn mong muốn giới thiệu trực tiếp với người tiêu dùng; tận dụng cơ hội giao lưu, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng đồng thời tìm cơ hội kết nối với những đơn vị mua hàng tiềm năng.
Gần đó, gian hàng của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) giảm giá trung bình 20%-30% cho tất cả sản phẩm trưng bày. Cũng như APT, VISSAN tranh thủ giới thiệu các sản phẩm mới: thịt heo ướp gia vị/mật ong, há cảo thanh long… và tham gia các chương trình kết nối với nhà kinh doanh để tìm cơ hội phát triển thêm hệ thống đại lý phân phối.
Tương tự như khu vực trưng bày nông sản thực phẩm, khu vực gian hàng quần áo thời trang, giày dép, hàng tiêu dùng… cũng thu hút khách mua hàng giảm giá của các thương hiệu uy tín.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay chương trình "Kích cầu tiêu dùng 2020" do Sở Công Thương TP tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP, kéo dài từ ngày 2 đến 5-7 với quy mô 640 gian hàng của 486 doanh nghiệp (DN) TP HCM và 29 tỉnh, thành phố. 90% số DN tham gia chương trình thực hiện khuyến mãi với mức giảm thấp nhất là 40%, cao nhất là 90% giá trị sản phẩm. Ban tổ chức cũng thiết kế riêng một khu vực để các DN gặp gỡ, kết nối trực tiếp với nhau.
Nỗ lực khôi phục, thúc đẩy thị trường nội địa
Ngoài các DN bình ổn thị trường, các DN sản xuất mặt hàng chủ lực TP HCM…, chương trình còn dành không gian cho các DN, cơ sở sản xuất, HTX, tổ sản xuất nhiều tỉnh, thành. Trong đó, gian hàng của các địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ… trang trí bắt mắt, trưng bày đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Tại gian hàng của tỉnh Bến Tre, chị Nguyễn Thị Thinh - tổ trưởng tổ hợp tác sầu riêng phụ nữ xã Tân Phú, huyện Châu Thành - giới thiệu những trái sầu riêng đạt chuẩn VietGAP. Theo chị Thinh, tổ hợp tác tuyển được 200 kg sầu riêng để giới thiệu với các DN phân phối, tiêu dùng TP HCM.
Tổ hợp tác đang canh tác 15 ha sầu riêng, lâu nay chủ yếu bán cho thương lái và một số đại lý bán hàng online nên giá cả bấp bênh. "Chúng tôi rất mong được kết nối với các DN phân phối, siêu thị lớn để ký hợp đồng mua bán trực tiếp, tạo đầu ra ổn định cho bà con" - chị Thinh nói.
Tỉnh Đồng Tháp tham gia 33 gian hàng, gồm 6 gian ẩm thực, 4 gian giới thiệu đặc sản địa phương, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp cùng 21 gian bố trí cho khoảng 50 DN của tỉnh. TP Cần Thơ thì giới thiệu 39 mặt hàng, chủ yếu là đặc sản địa phương và nông sản tươi, nông sản chế biến.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại dịch vụ.
"Thời gian qua, Sở Công Thương Cần Thơ đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, kích cầu, giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị để hỗ trợ DN. TP HCM là trung tâm của khu vực phía Nam, chương trình kích cầu tiêu dùng của TP giúp DN các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ cũng như các tỉnh, thành cả nước tập trung giới thiệu sản phẩm hàng hóa, để các DN có nhu cầu mua bán hàng hóa dịch vụ biết nhau, tìm đến nhau mua/bán sản phẩm" - ông Toại nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, TP đã liên tục phối hợp với các tỉnh thực hiện những chương trình kích cầu tiêu dùng và được các tỉnh nhiệt tình ủng hộ.
"Thị trường nội địa là trụ cột trong khôi phục và phát triển kinh tế. Mục đích của chương trình kích cầu tiêu dùng là đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện, hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa trong các năm qua" - ông Tuyến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong mọi hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho DN, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trên cả nước. "Để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chủ động ứng phó dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng thuận lợi cho sự tăng trưởng trong thời gian tới" - ông Đỗ Thắng Hải nói.
Xây dựng điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm
Trong khuôn khổ chương trình, chiều 2-7, Sở Công Thương TP HCM tổ chức hội thảo "Điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" để lắng nghe ý kiến các DN bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống, DN cung ứng sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, các HTX sản xuất nông nghiệp... về định hướng thống nhất xác lập các điều kiện an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật cho thu mua, tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Những ý kiến đóng góp của chương trình được tiếp thu, làm cơ sở xây dựng các giải pháp cho đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
TP HCM, Đồng Tháp kết nối cung cầu hàng hóa
Chiều 2-7, 3 doanh nghiệp phân phối là Saigon Co.op, Central Group và Công ty Hội nhập và Phát triển Đông Hưng đã ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ hàng hóa cho 14 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có trên 40 DN trên địa bàn Đồng Tháp được kết nối đưa hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại. Cũng tại sự kiện, Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ An Khang Land đã ký kết với Trung tâm Giới thiệu việc làm Đồng Tháp bản ghi nhớ hợp tác thành lập Văn phòng Giới thiệu việc làm cho người lao động Đồng Tháp. DN này cũng trao quỹ hỗ trợ 200 triệu đồng/năm cho Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với doanh nghiệp TP HCM Ảnh: THANH NHÂN
Phát biểu tại buổi ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết nhiều người con Đồng Tháp đã hòa nhập vào cộng đồng DN cả nước, viết nên những câu chuyện từ những món quà quê.
"Câu chuyện mua bán ngày nay không phải là mua đứt bán đoạn mà phải bằng cảm xúc và văn hóa. Chúng ta không chỉ kết nối sản phẩm của Đồng Tháp lên kệ hàng siêu thị mà kết nối con người Đồng Tháp và TP HCM, không ai hỗ trợ ai mà cộng hưởng với nhau tạo ra giá trị cho cộng đồng xã hội" - ông Hoan phát biểu.
Bình luận (0)