Ngày 6-3, tại TP HCM, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo 3 bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các tỉnh, thành phía Nam.
Chồng chéo, khó quy trách nhiệm
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện còn nhiều chồng chéo, rất khó trong việc quy trách nhiệm. Hiện nay, luật giao cho 3 bộ cùng quản lý theo kiểu “3 ông ngang nhau” mà không có “ông nào” to hơn nên không phát huy hiệu quả. Đại diện doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã nhiều lần kiến nghị Việt Nam thành lập một cơ quản quản lý thực phẩm để quản lý tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng cần thành lập cơ quan thống nhất quản lý an toàn thực phẩm. Theo kinh nghiệm của Hà Lan, nước này phải mất 10 năm để hợp nhất các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm nên việc cho chủ trương hợp nhất là cấp bách, nếu không bắt đầu thì rất khó cải thiện tình hình.
Theo bà Minh, người dân hết sức lo ngại về thực phẩm đang tiêu dùng. Chuyện cấp giấy chứng nhận VietGAP khống, thậm chí là giấy xét nghiệm khống, đã diễn ra làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Nông sản xuất khẩu thì liên tục bị cảnh báo từ hồ tiêu đến gạo, thủy sản do tồn dư hóa chất, kháng sinh. Vì thế, đã đến lúc nhà nước cần đưa ra lộ trình cụ thể, buộc vùng sản xuất phải tuân thủ GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), nhà máy phải có tiêu chuẩn HACCP. Trước đây, ngành thủy sản đã từng kêu khó khi làm theo tiêu chuẩn HACCP nhưng cũng làm được vì nếu không làm sẽ không bán được hàng.
Kỳ vọng mô hình mới
Do đó, mô hình thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM được nhiều đại biểu kỳ vọng sẽ làm nên chuyện. PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, cho biết nguyên tắc của cơ quan mới là không tăng biên chế, trực thuộc UBND TP HCM (tương đương sở).
Theo bà Lan, nhiều DN than phiền làm thực phẩm sạch quá khó vì quá nhiều thủ tục, không biết hỏi ai. Do vậy, trước mắt bộ phận pháp chế của Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ công khai các thủ tục, hỗ trợ DN trong việc cấp giấy chứng nhận để “dẹp cò” như hiện nay, tập trung nguồn lực cho hậu kiểm. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng cơ chế “gián điệp” để đánh trúng đích, tránh tình trạng báo chí phát hiện nhưng thanh tra đến thì đã dọn dẹp hết. Ngoài ra, phải thanh tra lực lượng thanh tra để bảo đảm việc thanh tra đúng, tránh chuyện “bắt tay” chia tiền phạt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang ở mức trung bình. Tuy nhiên, ở một số địa phương thì tình hình đang ở “giới hạn đỏ”. Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm là phổ biến nhưng mức phạt còn thấp, trung bình tiền phạt chỉ từ 100.000-200.000 đồng/vụ là không đủ răn đe, còn ít vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sẽ thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”
Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH True Milk, cho biết sau gần 2 năm từ khi Bộ Y tế lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT ) và sau 9 tháng từ hội thảo lấy ý kiến cuối cùng, đến nay vẫn chưa có thay đổi nào. Đáng chú ý là khái niệm “sữa tiệt trùng” đã được chốt phương án sửa là sẽ chia thành 3 tên gọi: sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (sữa tiệt trùng với sữa tươi), tổn hại đến người chăn nuôi trong nước và tạo điều kiện một số DN chỉ muốn thu lợi từ việc nhập sữa bột về pha ra để bán mà không đầu tư dài hạn.
Ông Trương Quốc Cường cho biết ông mới nhận nhiệm vụ và được biết lý do quy chuẩn chưa được sửa là do Hiệp hội Sữa Việt Nam có văn bản cho rằng việc sửa quy chuẩn sẽ làm tăng chi phí của DN, thay đổi nhãn sản phẩm. Ông khẳng định lý do này là không thỏa đáng. Do đó, tuần tới sẽ làm việc với Hiệp hội Sữa Việt Nam, nếu không có lý do mang tính khoa học thì phải sửa đổi, DN sẽ có thời hạn 1 năm thay đổi bao bì. Việc minh bạch thông tin sẽ có lợi cho nông dân và người tiêu dùng.
Bình luận (0)