Ngày 3-3, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp toàn thể để nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Vì lợi nhuận nên cố tình làm sai
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết vì lợi nhuận nên doanh nghiệp, người kinh doanh cố tình làm sai, buôn gian bán lận, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, nhồi nhét chất cấm, hóa chất, kháng sinh vào thực phẩm. “Tư lệnh” ngành y tế cũng thẳng thắn nói việc thanh tra, xử lý chưa nghiêm cả hành chính lẫn hình sự; nhân lực yếu về số lượng lẫn chất lượng.
Theo bà Tiến, 5 năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm nhưng mới xử lý 136.545 cơ sở (chiếm 20%). Số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% năm 2016, tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu đồng lên 3,73 triệu đồng.
Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong áp dụng các quy định của pháp luật hình sự. Báo cáo cho biết cơ quan CSĐT các cấp đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác, như: sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh… với 74 vụ, 117 bị can. Tội buôn lậu khởi tố 9 vụ, 12 đối tượng (hàng hóa buôn lậu là thực phẩm). Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (hàng vận chuyển là thực phẩm) khởi tố 7 vụ, 19 đối tượng. “Kết quả xử lý hình sự đúng như cử tri nói là chưa nghiêm” - bà Tiến nhấn mạnh.
Giải thích rõ về tình trạng này, báo cáo của Chính phủ phân tích điều 155 Bộ Luật Hình sự 2009 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cấm chỉ quy định hành vi sản xuất và buôn bán, không quy định về hành vi sử dụng nên khi phát hiện các đối tượng có sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm thì không thể khởi tố, điều tra về tội danh này. Tương tự, điều 244 quy định tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Cũng liên quan đến kết quả xét xử các vụ án có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, báo cáo của TAND Tối cao khẳng định người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến ATTP khá nhiều nhưng bị xử lý hình sự rất ít. Từ ngày 1-10-2010 đến 30-9-2016, TAND các cấp thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP và đã giải quyết, xét xử 313 vụ. Trong số 375 bị cáo đưa ra xét xử, chỉ một bị cáo bị phạt tù từ 15-20 năm, phạt tù từ trên 7-15 năm có 3 bị cáo...
Kiểm tra nhiều vẫn “báo động đỏ”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ngô Thị Minh cho rằng qua giám sát thấy trách nhiệm của các bộ, ngành rất cao, thanh kiểm tra nhiều nhưng thực phẩm bẩn vẫn ở mức “báo động đỏ”! “Cần quan tâm xem việc quy định trách nhiệm đã đúng, trúng hay chưa? Sự phối hợp giữa các bộ với chính quyền địa phương như thế nào, nhất là ở cấp xã, phường? Tại sao ở cơ sở không làm được, nhất là trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm?” - bà Minh đặt vấn đề.
Bà Minh lo lắng về 3.000 suất ăn ở trường học đa số từ thực phẩm mua ở chợ đầu mối nhưng có quy trách nhiệm ban quản lý chợ đầu mối hay không. “Chúng ta không quy trách nhiệm, đến khi xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm UBND cấp huyện, xã ra sao. Đầu mối ngành y tế như thế nào thì quy trách nhiệm rõ hơn nữa” - bà Minh kiến nghị.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So nói: “An toàn ở đâu khi chúng ta không cho sử dụng chất Salbutamol nhưng cùng bảng với chất này còn có Ractopamine. Trong khi đó, hiện 28 nước cho phép dùng chất này và chúng ta đang nhập thực phẩm từ một số nước sử dụng Ractopamine trong chăn nuôi”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng kết quả thanh, kiểm tra theo kế hoạch đạt tiêu chuẩn 85%-86% nhưng kiểm tra đột xuất chỉ 52% đạt tiêu chuẩn (!?) Điều đó cho thấy thanh, kiểm tra đột xuất tiệm cận thực tế hơn rất nhiều. Vậy, có nên duy trì thanh, kiểm tra theo kế hoạch hay thay bằng tăng cường kiểm tra đột xuất?
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn: “Trung ương sốt sắng nhưng địa phương, cơ sở lại ngồi im”. Ông Bộ cho biết tháng 4-2016, khi tiếp xúc đại biểu QH, Thủ tướng Chính phủ đã nói chính quyền địa phương nơi mất ATTP phải chịu trách nhiệm. Vậy, giải pháp nào để xử lý chính người đứng đầu địa phương ăn lương của dân nhưng không thực thi nhiệm vụ của mình?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị mới giải quyết được, phải có đột phá. Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đang rà soát đánh giá tác động của Luật ATTP, nếu thấy không phù hợp với điều kiện hội nhập thì sửa đổi. Trong thanh, kiểm tra phải xử phạt nghiêm, cả về hành chính lẫn hình sự.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng theo quy định thì trách nhiệm về ATTP có đến 3 bộ liên quan và cả của chính quyền địa phương. Do đó, cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý thật nghiêm bởi thời gian qua, kiểm tra nhiều nhưng phát hiện, xử lý rất ít.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết vệ sinh ATTP mới ở mức độ trung bình. Các bộ, ngành, địa phương có vào cuộc nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu và ông không hài lòng. Yếu nhất là ở khâu sản xuất, kinh doanh, phân phối, chế biến, tiêu dùng nhỏ lẻ, riêng hệ thống siêu thị thì đã quản lý tốt. Do đó, phải vận động tuyên truyền, tạo môi trường pháp lý để người dân cũng như doanh nghiệp tuân thủ. Hiện cơ sở pháp luật khá đầy đủ, luật hình sự cũng nói rất kỹ trách nhiệm thuộc về ai và hoàn toàn áp dụng để xử lý được.
“Báo chí nêu mất an toàn là không phải”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết bộ này đang tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất Cysteamine dùng thay thế chất Salbutamol để có sản phẩm an toàn; tập trung xây dựng chuỗi sản xuất thực phẩm sạch và công khai, giới thiệu các địa điểm an toàn...
Liên quan đến chất Ractopamine mà một số nước sử dụng trong chăn nuôi, ông Tám cho hay họ sử dụng nhưng có quy trình và thời gian, khi thực phẩm đến người tiêu dùng thì chất này đã đào thải. Việt Nam nhập chất này chỉ ở ngưỡng cho phép nên bảo đảm. “Báo chí nêu có mất an toàn là không phải vì sản phẩm nhập qua đường chính ngạch được quản lý tốt, trừ trường hợp nhập qua lối mòn hay buôn lậu thì chưa được kiểm soát nên có lượng kháng sinh trong đó” - ông Tám phân trần.
Bình luận (0)